"Sóng ngầm" tại Diễn đàn Davos 2019

05:30' - 29/01/2019
BNEWS Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 diễn ra từ ngày 22-25/1 tại Davos, Thụy Sỹ trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ bỏ ý định tham dự vì những vấn đề quan tâm cấp bách hơn ở trong nước.
Người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong ba nhà lãnh đạo của nhóm G7 tham dự sự kiện thường niên ở Davos, nơi mà lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về những thiệt hại mà chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

* Nhật quyết khôi phục niềm tin vào thương mại toàn cầu

Bài phát biểu của ông Abe tại WEF năm nay mang ý nghĩa quan trọng vào thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang, trở thành một trong nhiều yếu tố đe dọa đà tăng trưởng toàn cầu.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Abe nói với các đại biểu: “Nhật Bản quyết tâm giữ gìn và cam kết củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, cởi mở và tự do. Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy xây dựng lại niềm tin đối với hệ thống thương mại quốc tế. Đó phải là một hệ thống công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cả các lĩnh vực như thương mại điện tử, và mua sắm chính phủ”.

Ông Abe cho biết trên cương vị là chủ tịch Nhóm G20 năm nay, Nhật Bản sẽ tìm cách dẫn dắt các cuộc thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, và cách thức tạo điều kiện cho việc sử dụng dữ liệu số và cùng lúc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu này nêu bật hy vọng của Nhật Bản sẽ nhận được được sự hậu thuẫn từ một số đối tác G20 của mình nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương trong việc giải quyết các xung đột thương mại.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng điều đó có thể giúp Tokyo chống lại áp lực từ Washington đòi mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản, một đề tài nhạy cảm về mặt chính trị ở trong nước, và thực hiện các bước khác để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại song phương.

Reuters dẫn lời ông Takeshi Niinami, người đứng đầu hãng bia Suntory Holdings và một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Abe, nói rằng Nhật Bản phải nhất quán về nhu cầu thúc đẩy thương mại tự do và “không nên thay đổi lập trường bất chấp Mỹ luôn luôn nhắc tới việc thực hiện một thỏa thuận song phương”.

Tại WEF năm 2014, ông Abe cam kết sẽ kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ bằng chính sách kinh tế mang tên Abenomics kết hợp giữa chi tiêu tài chính, chính sách tiền tệ lỏng và các bước để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản thông qua cải cách thị trường lao động và giảm bớt các quy định.

Nhưng 5 năm sau, đà tăng trưởng kinh tế nhờ lực đẩy của chính sách Abenomics đang nhạt dần, lạm phát vẫn nằm dưới mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và các nhà chỉ trích chỉ ra tình trạng chậm tiến độ trong việc loại bỏ bớt các quy định.

Ông Abe đã tìm cách chống chế những chỉ trích đó, nói rằng thông qua các chính sách tạo việc làm, ông đã phá hủy “bức tường tuyệt vọng và bi quan về Nhật Bản” đã tồn tại cách đây 5 năm.

Ông nói Nhật Bản hy vọng sẽ xây dựng được sự đồng thuận trong khối G20 về nhu cầu giảm rác thải nhựa đổ vào đại dương, và phối hợp sử dụng dữ liệu số trên toàn cầu mà không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân và quyền sở hữu trí tuệ.

* “Cuộc song đấu” từ xa Mỹ- Trung

Hai nguyên thủ không đến diễn đàn Davos năm nay, nhưng được nhắc đến trong tất cả các cuộc đối thoại tại WEF là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu qua video từ Washington do “Chính phủ Mỹ đóng cửa”, bắt đầu bằng việc bày tỏ “tin tưởng về khả năng hai nước có thể cùng thịnh vượng”. Nhưng sau đó ông nhanh chóng cáo buộc “mô hình tập trung vào Nhà nước, sự hung hăng đối với các láng giềng và chính sách đối nội độc đoán” của Trung Quốc.

Về thương mại, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích hệ thống bất công, không “có qua có lại”, các doanh nghiệp nước ngoài bị ép buộc chuyển giao công nghệ. Theo ông Pompeo, nếu Bắc Kinh chấp nhận luật chơi công bằng hơn thì “người dân Trung Quốc cũng được lợi”.

Tất nhiên cái nhìn từ phía Trung Quốc khác hẳn. Ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện quan hệ quốc tế trường đại học Thanh Hoa khẳng định: “Không phải lo cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ biến thành xung đột quân sự hay ý thức hệ, nhưng cạnh tranh giữa hai nước sẽ tăng lên mạnh mẽ”.

Nhà phân tích địa chính trị Kishore Mahbubani, trường đại học Singapore cho biết: “Châu Á lo lắng trước việc quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng từ một năm qua”. Phương Tinh Hải (Fang Xinghai), Phó chủ tịch Cơ quan giám sát thị trường tài chính Trung Quốc, trấn an: “Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ còn 6% nhưng chính phủ còn nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế".

* Lời cảnh báo từ Davos

Một tuần trước khi Hội nghị thường niên diễn ra WEF đã công bố Báo cáo về các nguy cơ toàn cầu lần thứ 14, trong đó nhấn mạnh đến nguy cơ “Thế giới đang nhắm mắt bước vào một cuộc khủng hoảng mới”. Các hiểm họa về khí hậu và môi trường được coi là những tác nhân hàng đầu của cuộc khủng hoảng này.

Ba loại hiểm họa đầu tiên được báo cáo nêu ra có thể thấy rõ ngay trong thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019. Mỹ và Trung Quốc nhất trí "đình chiến thương mại" 90 ngày (từ tháng 12/2018 đến cuối tháng 2/2019), nhưng phần lớn các chuyên gia dự đoán xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ còn dai dẳng. Thế đối đầu về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc gây lo ngại. 

Một vấn đề khác tại châu Âu là tình trạng giới chính trị Anh vô cùng lúng túng trong việc chuẩn bị cho quyết định chia tay với Liên minh châu Âu. Chính quyền thực hiện quyết định của toàn dân sau trưng cầu dân ý là nguyên tắc chủ đạo của một nền dân chủ.

Thế nhưng trong việc "ly hôn" với châu Âu, đa số giới chính trị lại không đồng ý với giải pháp của chính phủ. Trong khi đó, nước Anh cũng rất khó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Hệ quả là rất nhiều khả năng nước Anh phải chia tay EU mà không có thỏa thuận, đồng nghĩa với việc sẽ có một thời kỳ hỗn loạn, và hậu quả với hai bên sẽ rất lớn. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị vạ lây.

Riêng tại Mỹ tình trạng đóng cửa chính phủ do đảng Dân chủ không chấp thuận đòi hỏi xây tường chặn dân nhập cư của Tổng thống Trump, khiến chính quyền liên bang Mỹ tê liệt hơn một tháng, điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Nước Pháp cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, với sự trỗi dậy của phong trào "Áo vàng".

Theo Chủ tịch WEF, Borge Brende, để đối phó với tình trạng tăng trưởng chững lại hiện nay, điều chủ yếu là cần có “các hành động phối hợp” để hậu thuẫn tăng trưởng và tự vệ trước các thách thức nghiêm trọng.

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các định chế quốc tế là phương tiện chủ yếu cho phép vượt qua các thử thách chưa từng có.

Theo chuyên gia Aengus Collins, người phụ trách bản báo cáo nói trên của WEF, thế giới hiện nay đang đi vào một giai đoạn mới mang tính “phân ly”, sau một thời kỳ toàn cầu hóa mãnh liệt, đã khiến toàn bộ hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu thay đổi sâu sắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục