Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu

17:15' - 02/03/2022
BNEWS Ngày 2/3, hoạt động giao thông công cộng ở Sri Lanka đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi các xe buýt không còn nhiên liệu để vận hành, trong bối cảnh nước này không còn ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu.

Hiệp hội xe buýt tư nhân Sri Lanka cho biết họ chỉ có thể vận hành 25% trong tổng số 20.000 xe, trong khi các tài xế phải xếp hàng tới 7 giờ để bơm xăng. Nhiều người dân đã phải di chuyển bằng xe riêng sau khi nhận được thông báo lịch trình hoạt động của các tuyến xe buýt bị thu hẹp nghiêm trọng.

Một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất của Sri Lanka, Lanka IOC, đã tăng giá thêm 12% vào ngày 26/2 vừa qua, trong khi Tập đoàn xăng dầu Ceylon thuộc sở hữu của nhà nước cũng đã phải xin phép chính phủ nâng giá.

CPC cho biết họ chỉ còn đủ nguồn cung cho 4 ngày tới và công ty đã phải giảm bớt lượng dầu diesel cung cấp cho các trạm nhiên liệu.

 

Không chỉ riêng hoạt động vận tải bị ảnh hưởng, Sri Lanka cũng thực hiện cắt điện trong hơn 7 giờ, đây là lịch cắt điện dài nhất trong 25 năm qua tại quốc gia này. Theo Ủy ban dịch vụ công, nguyên nhân cắt điện là do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu cho các máy phát điện.

Mực nước các hồ thủy điện cũng thấp do Sri Lanka đang trong mùa khô. Theo chỉ thị mới ngày 1/3, toàn bộ các cơ quan phải tắt điều hòa vào buổi chiều để tiết kiệm điện.

Ngành du lịch, nguồn thu ngoại tệ chính của Sri Lanka, đã sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để tiết kiệm ngoại tệ, Chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trên quy mô lớn vào tháng 3/2020.

Theo số liệu chính thức, dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka vào cuối tháng 1 vừa qua là 2,07 tỷ USD, giảm 25% so với tháng trước, và thấp hơn nhiều so với mức 7,5 tỷ USD vào tháng 11/2019, khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lên nắm quyền.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Udaya Gammanpila, tình trạng thiếu dầu hiện nay là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh năm 1948.

Việc thiếu nguồn cung đã đẩy lạm phát giá thực phẩm ở Sri Lanka lên mức 25% trong tháng 1 vừa qua, theo đó lạm phát chung ở mức 16,8%./.

>>>Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Chưa thấy hồi kết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục