SSI Research: Triển vọng ngành ngân hàng tích cực hơn dự báo

09:56' - 12/12/2020
BNEWS Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với dự kiến trước đây do không bị ảnh hưởng nhiều từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19 nên năm 2021 sẽ rất khả quan.

Đây là nhận định của Bộ phận nghiên cứu Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI Research).

Theo đó, 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI Research đã ghi nhận kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong quý III/2020 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 nghìn tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ).

Nếu loại trừ mức sụt giảm 21% lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng trong quý III đã tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng này là nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh và đà tăng của chi phí dự phòng cũng như chi phí hoạt động chậm lại.

Riêng với Vietcombank, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra dự báo về mức tăng trưởng âm của ngân hàng này trong năm 2020.

Cụ thể, lợi nhuận dự kiến đạt 22.754 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm trước. So với đầu năm, tín dụng có thể tăng khoảng 10%, còn tăng trưởng huy động giảm xuống 8% do cho vay tăng yếu và thanh khoản dồi dào.

Theo VDSC, quý IV/2020, nợ xấu mới hình thành của Vietcombank có thể tăng đáng kể, nhưng nhờ chính sách xóa nợ và trích lập dự phòng, tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng ổn định khoảng 1 - 1,2% và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu giữ ở mức khoảng 200%.

Năm 2021, VDSC đưa ra dự báo lạc quan hơn khi cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát, dẫn đến tốc độ tăng chi phí tín dụng chậm hơn và hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, lợi nhuận Vietcombank có thể tăng khoảng 16% lên 26.375 tỷ đồng.

Liên quan đến trích lập dự phòng, các chuyên gia phân tích của SSI Research cũng chỉ ra diễn biến trái chiều về mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần khi Vietcombank và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có mức trích lập dự phòng tăng từ 35 - 39%, trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại giảm 10,7% so với cùng kỳ.

Đề cập về sự phân hóa lớn trong trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, với nội lực sẵn có, các ngân hàng lớn có nhiều dư địa để mạnh tay trích lập rủi ro, bao phủ nợ xấu.

Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, việc trích lập này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng, do đó tỷ lệ trích lập dự phòng cũng đang được cân nhắc.

"Tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro là việc không trước thì sau, sớm muộn cũng sẽ phải làm. Nếu làm sớm thì tình hình của ngân hàng sẽ được phản ánh chính xác và đầy đủ hơn", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tính đến ngày 17/11/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 7,26% so với cuối năm 2019. Do đó, SSI Research dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới.

Bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định, tín dụng năm nay sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10% và sẽ tập trung trong quý IV này.

Bởi sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 vào tháng 7/2020, doanh nghiệp đã bắt đầu bình tĩnh và hồi phục nên nhu cầu tín dụng tăng lên.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp hồi phục trong năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2021, chắc chắn vẫn còn rất nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất ngân hàng có khả năng tiếp tục giảm.

Với kịch bản dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thương tổn đối với doanh nghiệp Việt cũng được hạn chế, nhưng còn đó những trở ngại trong giao thương quốc tế nên năm 2021 được dự báo sẽ vô cùng khó khăn đối với cả doanh nghiệp, cá nhân cũng như ngân hàng.

"Còn với kịch bản dịch COVID-19 quay trở lại, tôi tin rằng chúng ta sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều và chủ động, sẵn sàng kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới", bà Minh Anh chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục