Sự hỗn loạn ngân hàng gần đây có dẫn đến sụp đổ kinh tế?

05:30' - 02/04/2023
BNEWS Hiện tại vẫn còn sớm để đánh giá tình hình và "cơn đau" có thể vẫn đang tới.

 

Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Một vài tuần trước, các nhà phân tích đã tin rằng nền kinh tế toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, họ lo lắng về một cuộc suy thoái sâu sắc do hậu quả từ vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và việc giải cứu ngân hàng Credit Suisse. “Từ không hạ cánh đến hạ cánh cứng”, như Torsten Slok, nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, nhận định. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase nói rằng “việc hạ cánh nhẹ nhàng giờ đây có vẻ khó xảy ra, với việc máy bay đang trong tình trạng lao dốc (thiếu niềm tin của thị trường) và các động cơ sắp tắt (ngân hàng cho vay)”.

Theo The Economist, các bằng chứng từ trước sự hỗn loạn ngân hàng gần đây cho thấy rằng, GDP toàn cầu đang tăng với tốc độ hàng năm khoảng 3%. Ở các nước giàu, thị trường việc làm "bùng nổ". Cho đến nay, có rất ít bằng chứng về sự thay đổi dữ liệu “thời gian thực” theo hướng tăng trưởng chậm hơn. Một chỉ báo hoạt động hiện tại do ngân hàng Goldman Sachs thống kê, bắt nguồn từ nhiều biện pháp đo lường tần suất cao, có vẻ ổn định. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng cho thấy sự cải thiện nhẹ trong tháng 3/2023. Các biện pháp đo lường GDP hàng tuần do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một câu lạc bộ các nước giàu, đưa ra cho thấy GDP đang giữ vững. Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ cũng theo dõi tăng trưởng GDP toàn cầu theo định giá của thị trường tài chính (ví dụ như giá dầu và cổ phiếu theo chu kỳ), cho thấy mức tăng trưởng là 3,4%, so với 3,7% trước khi SVB sụp đổ.

Hiện tại vẫn còn sớm để đánh giá tình hình và "cơn đau" có thể vẫn đang tới. Như các nhà phân tích của JPMorgan đã minh họa bằng phép ẩn dụ của họ, các nhà kinh tế có hai điều lo lắng. Đầu tiên là sự không chắc chắn. Nếu mọi người lo sợ một cuộc khủng hoảng ngân hàng và nỗi đau kinh tế đi kèm, họ có thể cắt giảm tiêu dùng và đầu tư. Thứ hai liên quan đến tín dụng. Các tổ chức tài chính, lo sợ thua lỗ, có thể rút lại việc cho vay, tước đi nguồn vốn rất cần thiết của các công ty. Tuy nhiên, may mắn thay, có lý do để tin rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây sẽ có tác động ít hơn so với nhiều người lo sợ.

Đầu tiên là sự không chắc chắn. Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được xuất bản vào năm 2013 cho thấy, sự không chắc chắn tăng vọt - do chiến tranh Iraq và sự sụp đổ của ngân hàng - có thể làm giảm mức tăng trưởng GDP hàng năm tới 0,5 điểm phần trăm, phần lớn là do các công ty trì hoãn đầu tư. Nếu một cú sốc như vậy thành hiện thực, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3% xuống còn 2,5%.

Tuy nhiên, trừ khi tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra, nếu không thì tác động sẽ không đáng kể đến thế - bởi vì sự sụp đổ của ngân hàng không gây ấn tượng gì đáng ngạc nhiên đối với mọi người. Một cuộc khảo sát của công ty thăm dò ý kiến IPSOS cho thấy rằng, từ đầu đến giữa tháng Ba, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ thực sự tăng lên, ngay cả khi các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon lo lắng rằng tiền của họ sẽ biến mất. “Chỉ số không chắc chắn”, trong phân tích báo chí của chuyên gia Nick Bloom thuộc Đại học Stanford và các đồng nghiệp, đã tăng lên một chút khi tình trạng hỗn loạn bắt đầu, nhưng đang giảm dần trở lại. Chỉ số kinh doanh của Đức bất ngờ tiếp tục được cải thiện trong tháng 3/2023. Các tìm kiếm trên Google toàn cầu về các cụm từ liên quan đến “khủng hoảng ngân hàng” đã tăng vọt vào đầu tháng Ba, nhưng cũng đã giảm trở lại. Có lẽ sau những năm dịch bệnh và xung đột vừa qua, những cuộc cãi vã trong ngành ngân hàng giống như một cuộc dạo chơi trong công viên. Hoặc có lẽ mọi người nghĩ rằng chính phủ sẽ can thiệp để bảo vệ họ.

Nhiều nhà kinh tế lo lắng hơn về vấn đề thứ hai: Tín dụng. Nếu các công ty không thể tiếp cận nguồn tài chính, họ không thể phát triển dễ dàng như vậy. Vào ngày 22/3, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đề cập đến “rất nhiều tài liệu” khi được hỏi về mối liên hệ giữa các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và hoạt động kinh tế. Trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, thị trường tín dụng bị phá vỡ đã kìm hãm cả sự phục hồi kinh tế ngắn hạn và tăng trưởng năng suất dài hạn.

Sau sự sụp đổ của SVB, thị trường vốn về cơ bản đã "đóng băng". Từ ngày 11-19/3, các tập đoàn Mỹ không phát hành trái phiếu đầu tư mới, trong khi trước đó đã phát hành trung bình 5 tỷ USD hàng ngày vào tháng 1/2023 và tháng 2/2023. Điều này gây ra sự kinh ngạc; nhưng ít người nhận thấy rằng thị trường đã tăng lên kể từ đó. Trong những ngày gần đây, Brown-Forman, công ty sản xuất rượu whisky của Jack Daniel cùng với các loại rượu khác; và NiSource, một công ty tiện ích lớn đã huy động được số tiền lớn trên thị trường nợ. Mặc dù chênh lệch trái phiếu doanh nghiệp đã tăng một chút sau sự sụp đổ của SVB, nhưng chúng cũng đã giảm trở lại trong những ngày gần đây. Các công ty có thể đã tạm dừng phát hành nợ mới để kiểm tra xem tình hình đã rõ ràng chưa. Có vẻ như tháng 3/2023 sẽ trở thành một tháng trung bình khá đối với việc phát hành nợ doanh nghiệp.

Thiệt hại đối với hệ thống ngân hàng gần như chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả hơn. Kể từ đầu tháng Ba, giá cổ phiếu của các ngân hàng toàn cầu đã giảm 1/6. Bằng chứng cho thấy rằng, giá cổ phiếu giảm có xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng cho vay. Các ngân hàng cũng có thể cắt giảm cho vay nếu họ nhận thấy dòng tiền gửi chảy ra ngoài hoặc nếu cần huy động vốn vì các nhà đầu tư nghi ngờ về sự an toàn của chúng. Các ngân hàng trên khắp thế giới giàu có dường như đã thắt chặt các tiêu chuẩn. Theo một bài báo mới của Goldman Sachs, việc cho vay ngân hàng bị ảnh hưởng có nghĩa là mức tăng trưởng sẽ giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm ở cả Mỹ và khu vực đồng euro. Tình trạng hỗn loạn có thể đã ảnh hưởng nặng nề hơn đến các ngân hàng Mỹ, nhưng nền kinh tế khu vực đồng euro phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động cho vay của ngân hàng. Điều đó có thể cắt giảm tăng trưởng toàn cầu hơn nữa, từ 2,5% xuống khoảng 2%.

Mặc dù cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây hầu như không phải là tin tốt, nhưng nó không có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực. Dù vậy, mọi thứ vẫn có thể xấu đi. Việc phát hiện ra một ngân hàng mục nát khác có thể gây ra một vòng xoáy đi xuống. Các ngân hàng sẽ mất thời gian để xây dựng lại bảng cân đối kế toán và cho vay. Lãi suất tăng sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng cho đến khi các ngân hàng trung ương đánh giá công việc của họ đã hoàn thành.

Nhưng cũng có những lực tác động theo hướng khác; một trong số đó là sự phục hồi của Trung Quốc. Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng hơn 7%, so với cùng kỳ trong quý thứ hai của năm. Trong khi đó, các nút thắt trong chuỗi cung ứng hầu như đã biến mất và giá năng lượng đã giảm. Do đó, không nên quá ngạc nhiên nếu khả năng phục hồi bất thường của nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục