Sự khác biệt trong câu chuyện phục hồi kinh tế của Đức và Pháp

06:30' - 11/11/2023
BNEWS Trong quý III/2023, nền kinh tế Pháp tăng trưởng 0,1%, trong khi "nước láng giềng" Đức ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm sút.

 

Cách đây không lâu, Pháp được coi là nền kinh tế "ốm yếu của châu Âu” do thiếu các biện pháp cải cách kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi Đức vẫn là đầu tàu kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, “vị trí” này giờ đây có vẻ như đã “đổi ngôi”. Khi kinh tế Đức đang rơi vào tình trạng tăng trưởng suy giảm thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh các cuộc cải cách bắt đầu được thực hiện.

Theo thống kê mới nhất, kinh tế Pháp tăng trưởng 0,1% trong quý III/2023, sau mức tăng trưởng 0,6% trong quý trước đó. Nằm sát bên cạnh, nước láng giềng Đức ghi nhận tình trạng giảm sút GDP trong quý III/2023 và điều này làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).

Sự khác biệt về cấu trúc giữa Pháp và Đức

Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Philippe Crevel, nhà kinh tế, đồng thời là người đứng đầu tổ chức tư vấn Cercle de l'Epargne có trụ sở tại Paris, lưu ý rằng “hiệu ứng đặc biệt” này xuất phát từ lợi thế về cấu trúc. Ông giải thích: “Pháp có ngành dịch vụ lớn, gần đây đã đạt được kết quả tốt. Bằng chứng là trong năm nay, các công ty Pháp đã kiếm được hàng tỷ euro từ việc bán ‘tour’ du thuyền và máy bay. Điều này được phản ánh qua số liệu tăng trưởng của chúng tôi”. Theo ông Crevel, nền kinh tế Tây Ban Nha hiện cũng đang phát triển với mô hình tương tự.

Ông giải thích thêm rằng nền kinh tế Đức có truyền thống dựa vào lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu mạnh mẽ, nhưng hiện đang chịu tác động của thương mại quốc tế trì trệ và tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc, Mỹ và EU, trong đó tất cả các bên đều dựng nên rào cản thương mại.

 

Ông Crevel cho biết, một gánh nặng khác là giá năng lượng cao, đã làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển trong ngành công nghiệp Đức. Từng phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Hiện Berlin đã gặp nhiều khó khăn về năng lượng sau khi Moskva ngừng nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine từ tháng 2/2022. Ngược lại, Pháp có khả năng tiếp cận năng lượng hạt nhân giá rẻ, chiếm khoảng 70% sản lượng điện của nước này.

Chính sách khí hậu và những tác động đối với ngành công nghiệp ô tô Đức cũng đóng một vai trò nào đó. Ông nói: “Lĩnh vực chế tạo ô tô vẫn chưa thích ứng với quá trình chuyển đổi sang ô tô điện – hầu hết pin, phần quan trọng trong giá trị gia tăng của ô tô điện, đều được sản xuất tại Trung Quốc”.

Pháp phản ứng nhanh hơn trước nhiều cuộc khủng hoảng

Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn kiểm toán BDO có trụ sở tại Paris, Anne-Sophie Alsif, lại đề cập đến một yếu tố khác có lợi cho Pháp. Phát biểu với DW, bà Anne-Sophie Alsif cho biết: “Thành quả kinh tế của đất nước chủ yếu dựa vào tiêu dùng của hộ gia đình”. Mặc dù các cuộc khủng hoảng trong vài năm qua như đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine... cũng tác động đến tình hình chung, nhưng nhu cầu trong nước không giảm mạnh”.

Cố vấn đầu tư tại chi nhánh Paris của Công ty quản lý bất động sản Pictet Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, Christopher Dembik, cho biết Pháp đã vượt qua những cuộc khủng hoảng này một cách tương đối tốt.

Ông Dembik cho rằng, ngoài việc cung cấp các khoản trợ cấp cho các hộ gia, cho các công ty vay với quy mô lớn trong thời kỳ đại dịch, để duy trì mức tiêu dùng và đầu tư, Pháp phản ứng cực kỳ nhanh trước cuộc khủng hoảng năng lượng và bảo vệ toàn bộ nền kinh tế thông qua sự hỗ trợ của chính phủ. Pháp đã khởi đầu sớm hơn một năm so với Đức. Chính điều đó tạo ra sự khác biệt thực sự, mặc dù Berlin đã chi nhiều tiền hơn xét theo GDP của nước này.

Giáo sư luật và kinh tế người Đức tại Đại học HEC có trụ sở tại Paris và là thành viên không thường trú tại tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, Armin Steinbach, đánh giá không cao phản ứng của Đức. Ông cho rằng: “Trong khi Đức đang thảo luận mãi về hệ thống đồng thuận của với những người ra quyết định từ chính quyền trung ương và khu vực, thì Pháp đã thực hiện các biện pháp của mình từ lâu”.

Sự vượt trội về kinh tế hiện nay của Pháp còn có những nguyên nhân sâu xa hơn. Giáo sư Steinbach cho rằng: “Tổng thống Emmanuel Macron đang gặt hái thành quả từ những cải cách đầy tham vọng mà ông đã thực hiện kể từ lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2017.

Ông Macron đã giảm thuế doanh nghiệp, tự do hóa thị trường lao động, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và thúc đẩy một cuộc cải cách lương hưu đầy khó khăn”. Theo Giáo sư Steinbach, chương trình cải cách của ông Macron cũng đang có tác động đến tỷ lệ thất nghiệp của đất nước, hiện ở ngưỡng 7% - mức thấp nhất trong 20 năm.

Tuy nhiên, bà Catherine Mathieu, nhà kinh tế học tại cơ quan giám sát kinh tế của Đại học Sciences Po có trụ sở tại Paris (OFCE), cho rằng nền kinh tế Pháp “không phải là một sinh viên kiểu mẫu”. Theo bà Mathieu, đúng hơn là Đức đã “hoạt động đặc biệt tệ” trong ba năm qua. Bà nói: “Trung bình, GDP của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng 3,1% kể từ cuối năm 2019. Pháp nằm ở giữa bảng với 1,7%, nhưng Đức đứng cuối bảng với mức tăng trưởng chỉ 0,2%”.

Mặc dù vậy, đề cập đến những nhược điểm trong sự thành công của Pháp, năm chuyên gia trên đều đồng ý rằng những con số thống kê này không đặt dấu hỏi về cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp của Đức.

Pháp thực sự đang theo sau Đức?

Nhà kinh tế trưởng tại BDO Anne-Sophie Alsif nhấn mạnh: “Pháp thực sự đang theo chân Đức và đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đổi mới”. Hơn nữa, điều quan trọng đối với Eurozone phải là khu vực bao gồm các nền kinh tế có cấu trúc khác nhau để không phải tất cả các nền kinh tế đó đều suy thoái cùng một lúc”.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công của Pháp cũng có những nhược điểm. Nợ công của đất nước đã tăng vọt lên hơn 3.000 tỷ euro (3.160 tỷ USD) - 112,5% GDP so với mức dưới 100% vào năm 2019. Thâm hụt ngân sách hàng năm là khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức trần thâm hụt 3% do Brussels đặt ra.

Theo các nhà kinh tế, điều đó sẽ không dẫn đến việc Pháp sớm phá sản. Nhưng khoản nợ tích lũy của nó cuối cùng sẽ có tác động. Ông Steinbach của HEC nhấn mạnh: “Nếu một quốc gia sử dụng nhiều tiền của mình để trả nợ, quốc gia đó không thể sử dụng số tiền đó vào các mục đích quan trọng hơn”. Ông nói thêm: “Ở một thời điểm nào đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ là cần thiết, điều này có thể dẫn đến bất ổn chính trị. Và sẽ không còn tiền để trợ cấp công hào phóng nữa”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục