Tài chính tư nhân không phải “thần dược” đối với vấn đề biến đổi khí hậu

06:30' - 12/11/2023
BNEWS Thế giới cần hàng nghìn tỷ USD để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm 1,6% con số này, trong đó phần lớn chảy vào các nước phát triển.

 

Theo trang mạng của Viện Lowy, để đối phó với tình trạng thiếu ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ USD phục vụ cho việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà hoạch định chính sách, giới chức quốc tế, các nhà môi trường và các tổ chức tài chính đã kêu gọi tăng khẩn cấp quy mô đầu tư tư nhân vào vấn đề khí hậu.  

Logic của việc huy động tài chính tư nhân bắt đầu từ việc thừa nhận rằng các nước đang phát triển sẽ cần nguồn tài chính khí hậu “lên tới 5.800–5.900 tỷ USD cho đến năm 2030”.

Với nhu cầu tiền lớn như vậy, tài chính tư nhân được coi là một giải pháp hấp dẫn. Bằng cách thúc đẩy đầu tư tư nhân đáng kể, chính phủ và các tổ chức quốc tế có thể biến “hàng tỷ thành hàng nghìn tỷ”, qua đó tránh được vấn đề mà các nước phát triển phải đối mặt là làm thế nào để biện minh cho việc phân phối lại hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu. 

Ngoài ra, các nước đang phát triển đã ủng hộ một loạt biện pháp đa phương, bao gồm xóa nợ chính phủ, phân phối lại Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ban hành, tăng tài trợ phát triển ưu đãi và thậm chí cả thuế carbon toàn cầu.

Những đề xuất này thường được coi là liên quan đến công lý và bình đẳng toàn cầu, trái ngược với tính hiệu quả. Tuy nhiên, sự khác biệt này trở nên mờ nhạt khi nhu cầu tài chính khí hậu trị giá 5.800-5.900 tỷ USD của các nước đang phát triển được xem xét kỹ hơn.

Theo báo cáo năm 2021 của Liên hợp quốc (LHQ), hai nhu cầu chuyển đổi khí hậu quan trọng nhất ở các nước đang phát triển là xây dựng năng lực cùng với chuyển giao và phát triển công nghệ. Trên thực tế, nhu cầu tài chính xếp ở vị trí thứ ba. Có rất ít bằng chứng cho thấy vốn tư nhân có thể lấp đầy khoảng trống tài chính mà không cần mở rộng nhanh chóng đầu tư công và các sáng kiến do địa phương thực hiện.   

Vấn đề cốt lõi đối với việc huy động tài chính khí hậu tư nhân là thiếu các dự án sẵn sàng đầu tư “có khả năng vay vốn”. Khi các nước đang phát triển kêu gọi giảm nợ và tăng cường tài trợ đa phương, khu vực tư nhân kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ và đa phương nhiều hơn để tạo ra các dự án tư nhân.

Việc xây dựng các đường ống đòi hỏi năng lực mạnh mẽ của địa phương trong cấp vốn để khởi tạo và chuẩn bị các dự án. Tuy nhiên, quan trọng là việc phát triển đường ống không thể giải quyết được những thất bại cố hữu trên thị trường tài chính đối với các lĩnh vực như truyền tải và phân phối điện.            

 
Ở cấp độ dự án, chi phí tài trợ cho hạ tầng năng lượng sạch vẫn ở mức cao đáng lo ngại, ngay cả đối với các quốc gia có thu nhập trung bình như Ấn Độ và Brazil. Trong bối cảnh này, các cách tiếp cận do tài chính tư nhân dẫn đầu đòi hỏi chính phủ và các tổ chức quốc tế phải chấp nhận một phần cực kỳ lớn rủi ro của dự án để thu hút vốn tư nhân.

Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu chuyển hướng các nguồn tài chính và kế hoạch khan hiếm trong một nỗ lực thường không thành công nhằm đảm bảo rằng tiền của họ được chi tiêu một cách khôn ngoan.   

Để thích ứng với khí hậu, vốn tư nhân thậm chí còn là một “canh bạc” rủi ro hơn. Trong khi thế giới cần hàng nghìn tỷ USD để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, vốn tư nhân chỉ chiếm 1,6% con số này, trong đó phần lớn chảy vào các nước phát triển. Đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, bảo vệ rừng và rừng ngập mặn toàn cầu cũng như các dự án phục hồi nước không phù hợp với nguồn tài chính tư nhân.

Vốn tư nhân sẽ chỉ được sử dụng sau khi có những khoản chi tiêu công dành cho phân tích dữ liệu về rủi ro khí hậu và tình trạng dễ bị tổn thương, phát triển danh mục dự án và thiết lập các quy định hỗ trợ thị trường mới. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư thích ứng là ngay lập tức và đòi hỏi đầu tư công quy mô lớn để đảm bảo rằng các nước đang phát triển không phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu trong khi chờ đợi khu vực tư nhân bắt kịp.            

Trong các dự án giảm thiểu và thích ứng với khí hậu, việc mở rộng năng lực tài chính và kỹ thuật công là chìa khóa để tối ưu hóa các dự án khí hậu hiện có. Những dự án này đã gặp khó khăn do sự giám sát hạn chế, mức độ tham nhũng cao và sự hỗ trợ của địa phương thường xuyên thấp.

Việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu và giám sát, thành lập các cơ quan tham vấn địa phương và tăng cường minh bạch tài chính sẽ giúp nâng cao đáng kể tác động và tính bền vững của các chương trình tài chính khí hậu. Bằng chứng là rất rõ ràng, việc tăng cường năng lực nhà nước, bên cạnh trách nhiệm giải trình của dự án và thể chế, là điều kiện tiên quyết cho các nỗ lực giảm nhẹ toàn cầu hiệu quả. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách mở rộng đáng kể các nguồn tài chính công và đa phương hiện có.    

Tài chính tư nhân rõ ràng không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh” cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Không có gì ngạc nhiên khi các nước đang phát triển từ lâu đã kêu gọi mức tài trợ công và đa phương mạnh mẽ hơn nhiều. Thay vì chỉ tìm cách theo đuổi công bằng kinh tế toàn cầu, các nước đang phát triển nhận thức sâu sắc rằng hàng nghìn tỷ đô la của chính phủ các nước phát triển cần được đặt lên bàn đàm phán.

Nếu yêu cầu tài trợ của các nước đang phát triển được thực hiện thì 5.800–5.900 tỷ USD sẽ con số trong tầm tay. Tuy nhiên, thách thức vẫn là đưa các nước phát triển vào cuộc. Các đề xuất như “khế ước bắc cầu” của nhà kinh tế chính trị Dani Rodrik có một số hứa hẹn, mặc dù mọi sự đồng thuận toàn cầu tương đương chỉ có thể xuất hiện sau khi thừa nhận rằng cách tiếp cận lấy tài chính tư nhân làm trung tâm không mang lại giải pháp thay thế khả thi.        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục