Tại sao chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại?

07:35' - 23/04/2016
BNEWS Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), lần đầu tiên sau 4 năm sụt giảm, chi tiêu quân sự của các nước đã tăng thêm 1% lên đến 1.700 tỷ USD trong năm 2015.
Chi tiêu quân sự của các nước đã tăng thêm 1% lên đến 1.700 tỷ USD trong năm 2015. Ảnh: sputniknews.com

Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về ngân sách chi tiêu cho hoạt động quân sự, dù ngân sách quốc phòng của họ đã giảm 2,4%, còn 596 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD (tăng thêm 7,4% so với năm 2014). Ở vị trí thứ ba là Saudi Arabia (87,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2014). Đứng thứ tư là Nga (66,4 tỷ USD, tăng 7,5%). 

Theo các tác giả của bản báo cáo, trong danh sách 15 quốc gia với chi tiêu quân sự cao nhất còn có nước Anh, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Brazil, Italy, Australia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Israel. Nhật Bản đứng vị trí thứ 8 trong danh sách trên với chi tiêu quân sự 40,9 tỷ USD. 

Nguyên nhân của việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại khá dễ hiểu. Chuyên gia quân sự độc lập Vadim Lukashevich cho hay: “Sự căng thẳng đang tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới. Nguyên nhân là tăng cường cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu và những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng do các vấn đề chưa được giải quyết.

Trên thế giới thường xuyên xảy ra những cuộc xung đột: dập tắt một cuộc xung đột và ngay lập tức bùng nổ cuộc xung đột khác, ngoài ra còn có những cuộc xung đột tiềm ẩn… Thế giới bất ổn đẩy chi tiêu quân sự tăng lên, điều đó phục vụ lợi ích của các nhà buôn bán chính trên thị trường vũ khí.

Rõ ràng thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới, mỗi quốc gia muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng tùy theo quan điểm về mối nguy cơ đang đe dọa nước mình.

Nếu ở châu Âu mức chi tăng nhẹ, sự gia tăng căng thẳng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là yếu tố thúc đẩy các nước như Nhật Bản, Indonesia, Philippines và những quốc gia khác gia tăng đáng kể ngân sách quân sự”. 

Theo các tác giả bản báo cáo, các chi phí quốc phòng bao gồm việc mua các loại vũ khí, công tác hậu cần quân đội và xây dựng quân đội, thực hiện các cuộc nghiên cứu, tiền lương trả cho nhân viên dân sự làm việc cho lực lượng vũ trang, các chi phí hành chính, v.v.

Rất may cuộc chạy đua vũ trang chưa lên vũ trụ! Yếu tố hạn chế sự gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu có thể là… chiến tranh.

Tất nhiên, đây là kịch bản ngày tận thế, nhưng hy vọng lý trí lành mạnh sẽ chiến thắng được tham vọng quân sự.

Theo SIPRI, sự gia tăng chi tiêu quân sự được ghi nhận lần đầu tiên năm từ năm 2011, do gia tăng chi tiêu quốc phòng ở Trung Âu và Đông Âu, Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương.

Đặc biệt là sự giá tăng đáng kể chi tiêu quân sự (13%) ở Trung Âu, cụ thể là ở các quốc gia láng giềng với Nga và Ukraine - Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia và Estonia.

Ngoài ra, trong những năm gần đây cũng hình thành xu hướng cắt giảm ngân sách quân sự ở các nước phương Tây, song theo các nhà nghiên cứu, xu hướng này "đã tới hồi kết".

SIPRI cho biết ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2015 chỉ giảm 2,4%, thấp hơn đáng kể so với mức cắt giảm những năm trước, và dự báo năm 2016 xu hướng cắt giảm sẽ kết thúc, chi tiêu sẽ ở mức năm 2015. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nước Tây Âu.

Báo cáo lưu ý rằng một số nước xuất khẩu dầu mỏ do áp lực giá vàng đen giảm mạnh đã cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng. Trong số đó có Venezuela, Angola, Bahrain, Brunei, Kazakhstan, Ecuador.

Những nước khác, trong đó có Nga và Saudi Arabia, đã tìm được nguồn lực tăng ngân sách quân sự, dù dự kiến năm 2016 ngân sách quân sự của các nước này sẽ bị cắt giảm. 

Theo khu vực, tình trạng giảm chi tiêu quân sự diễn ra ở châu Phi (trung bình 5,3%), Mỹ Latinh và khu vực Caribe (2,9%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục