Tại sao Nhật Bản chưa có động thái hỗ trợ đồng yen?

06:30' - 20/04/2024
BNEWS Việc đồng yen liên tục giảm xuống mức thấp lịch sử mới so với đồng USD đã làm xuất hiện nhiều đồn đoán rằng các cơ quan tài chính Nhật Bản có thể sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ bất cứ lúc nào.

Báo Japan Times vừa đăng bài lý giải nguyên nhân Chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra các động thái để hỗ trợ đà suy yếu của đồng tiền nội tệ (yen). Nội dung bài viết như sau:

Việc đồng yen liên tục giảm xuống mức thấp lịch sử mới so với đồng USD đã làm xuất hiện nhiều đồn đoán rằng các cơ quan tài chính Nhật Bản có thể sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ bất cứ lúc nào.

Trong tháng qua, các quan chức tài chính hàng đầu của "xứ sở hoa anh đào" đã gửi cảnh báo và ám chỉ rằng họ đã sẵn sàng vào cuộc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu can thiệp nào, mặc dù đồng yen đã vượt xa mức thấp khiến chính phủ phải hành động vào tháng 10/2022.

Điều này đặt ra câu hỏi tại sao các nhà chức trách Nhật Bản vẫn chưa có động thái gì ?

Theo chuyên gia kinh tế Soichiro Tateishi tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản: “Chính phủ dường như không muốn miễn cưỡng can thiệp vì đồng yen hiện đang suy yếu do một số yếu tố cơ bản bên ngoài, chẳng hạn như lãi suất ở Mỹ tăng. Nếu các cơ quan tài chính can thiệp đột ngột vào thời điểm này, đồng yen có thể sẽ tăng lên mức 140 yen đổi 1 USD, nhưng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ khiến đồng yen cuối cùng vẫn quay trở lại mức hiện tại”.

Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng trở lại trên mức quan trọng 4,5% sau khi nước này công bố dữ liệu tháng 3/2024 cho thấy lạm phát vẫn ở ngưỡng cao, che mờ triển vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khi dữ liệu lạm phát của Mỹ đẩy đồng yen xuống xa hơn mức 152 yen/USD lần đầu tiên kể từ năm 1990, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng giới chức Nhật Bản sẽ nhanh chóng can thiệp. Tuy nhiên, các quan chức tài chính Nhật Bản đã lựa chọn tiếp tục đưa ra cảnh báo bằng lời nói, trong khi đồng yen đã chạm mức 154 yen/USD vào ngày 17/4.

Nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura cho rằng, có thể chính phủ không muốn gây quan ngại trước cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Washington.

Ông nói: “Nếu Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối trước G20 hoặc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nước này có thể bị Mỹ hoặc các nền kinh tế phát triển khác chỉ trích là “thao túng tiền tệ” tại các cuộc họp. Nhật Bản muốn tránh tình trạng như vậy”. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 cũng có cuộc hội đàm tại Washington.

 

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, sự tăng giá gần đây của USD so với các loại tiền tệ khác có thể được đưa ra trong cuộc họp G20. Theo nhà kinh tế Kiuchi: “Khả năng hạn chế sự tăng giá của đồng USD thông qua phối hợp quốc tế tại G20 có thể là lý do khiến chính phủ Nhật Bản kiềm chế can thiệp tiền tệ vào thời điểm hiện tại”.

Trong khi một số người tham gia thị trường nói rằng Nhật Bản có thể thực hiện một động thái khi đồng nội tệ giảm xuống 155 yen/USD, chuyên gia kinh tế Tateishi cho rằng chính phủ khó có thể đặt ra mức trần vì họ không muốn các nhà giao dịch nghĩ rằng chính phủ có tuyến phòng thủ để bảo vệ.

Sự can thiệp sẽ hiệu quả hơn nếu có dấu hiệu rõ ràng hơn rằng Fed sẽ đưa ra lãi suất dễ chịu hoặc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiến hành tăng lãi suất bổ sung trong thời gian tới. Những động thái như vậy của các ngân hàng trung ương có thể sẽ đẩy giá đồng yen lên cao hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Tateishi cho biết, chính phủ có thể không chờ đợi được những cơ hội như vậy nếu tốc độ mất giá của đồng yên tăng nhanh, vì đồng nội tệ yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu và ảnh hưởng đến chu kỳ giá cả - tiền lương tích cực mà Nhật Bản.

Khi đồng nội tệ của Nhật Bản tiếp tục xu hướng giảm, những người tham gia thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp chính sách tiếp theo của BoJ - dự kiến diễn ra vào tuần tới, để xem liệu cơ quan này có đưa ra một số gợi ý về việc tăng lãi suất hay không.

Tháng trước BoJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, nhưng vẫn không thể xoay chuyển được tình trạng đồng yen yếu. BoJ cho biết sẽ duy trì lập trường ôn hòa trong thời điểm hiện tại và không có dấu hiệu nào về kế hoạch tăng lãi suất bổ sung trong tương lai gần. Thống đốc Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương sẽ không thay đổi chính sách của mình để tác động trực tiếp đến biến động tiền tệ, nhưng nếu chi phí nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến xu hướng giá cả của Nhật Bản, ngân hàng sẽ xem xét thực hiện một số bước.

Ngoài ra, với việc Iran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel vào cuối tuần qua, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cũng đang theo dõi cẩn thận nguy cơ giá dầu tăng vọt trong bối cảnh lo ngại về xung đột ngày càng lan rộng ở Trung Đông. Giá dầu cao hơn sẽ làm tăng mức thâm hụt thương mại đối với Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên, gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng yen.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục