Tâm điểm trên thị trường thế giới tuần tới

21:05' - 16/06/2024
BNEWS Một tuần sau khi một loạt báo cáo được công bố cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đã giảm bớt, các nhà đầu tư đang chờ đón những số liệu mới về nhu cầu tiêu dùng, thị trường nhà...
Vài ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dự báo về số lần nới lỏng tiền tệ trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách từ Anh đến Australia được cho là sẽ làm điều tương tự, với lý do là họ vẫn chưa đủ tự tin với việc đưa lạm phát về mức mục tiêu.

* Mỹ tỏ ra “cứng rắn”

Một tuần sau khi một loạt báo cáo được công bố cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đã giảm bớt, các nhà đầu tư đang chờ đón những số liệu mới về nhu cầu tiêu dùng, thị trường nhà ở và sản xuất công nghiệp.

 
Trước đó, các quan chức Fed đã tuyên bố rằng sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất duy nhất trong năm 2024. Số liệu về doanh số bán lẻ công bố ngày 18/6 dự kiến sẽ cho thấy nhu cầu mua sắm đã sôi động trở lại trong tháng 5/2024, sau khi ghi nhận sụt giảm một tháng trước đó. Dữ liệu riêng biệt cho thấy sự gia tăng sản xuất tại các nhà máy, mỏ và tiện ích của quốc gia.

Tuần tới, dữ liệu về việc xây dựng nhà ở của Mỹ được công bố có thể cho thấy mức tăng khiêm tốn trong hoạt động xây dựng của tháng 5/2024 so với một tháng trước đó, do các nhà thầu điều chỉnh theo sự thay đổi của nhu cầu cơ bản trong khi vẫn duy trì lượng hàng tồn kho.

* Các nền kinh tế lớn “noi gương”

Sẽ có thêm nhiều quyết định về lãi suất lần lượt được công bố trong tháng Sáu này. Trước đó, Canada trở thành nền kinh tế đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyết định hạ lãi suất vào ngày 5/6. Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng làm điều tương tự, bất chấp những dự báo về môi trường lạm phát cao hơn, cho thấy sự nhiệt tình hạn chế đối với triển vọng nới lỏng hơn nữa.

Trong tuần tới, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) sẽ công bố bản tóm tắt các cuộc thảo luận dẫn đến việc cắt giảm lãi suất trong tháng này, cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định và các điều kiện để cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 24/7.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), điểm nổi bật về dữ liệu có thể là bộ chỉ số quản lý mua hàng mới nhất cho tháng 6/2024, dự kiến phát hành ngày 21/6. Số liệu này có thể cho biết liệu đà phục hồi kinh tế của khu vực có tích cực hay không.

Các quan chức của ECB dự kiến sẽ phát biểu bao gồm Chủ tịch Christine Lagarde và Chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane vào ngày 17/6, và Phó Chủ tịch Luis de Guindos vào ngày 18/6.

Tại Ngân hàng trung ương Anh (BoE), cuộc bầu cử sắp diễn ra và áp lực giá cả kéo dài đã khiến người ta nghĩ đến khả năng đợt cắt giảm lãi suất sẽ không xuất hiện trước tháng Tám tới. Tại Anh, số liệu về giá tiêu dùng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, với khả năng lạm phát đạt mục tiêu 2% lần đầu tiên sau gần ba năm.

Tuy nhiên, với cái gọi là lạm phát cơ bản có khả năng đạt trên 3% và một cuộc bầu cử sắp diễn ra, các nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ được giữ nguyên tại thời điểm này.

Các nhà kinh tế của Bloomberg nhận định: “Các ngân hàng trung ương lớn nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất… BoE gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách vào tháng Sáu, trước thềm cuộc bầu cử ở Anh”.

* Các khu vực khác: Tâm lý do dự chiếm ưu thế

Trong khi đó, các ngân hàng của Australia và Na Uy cũng đang cho thấy sự do dự, còn một nửa số chuyên gia kinh tế được khảo sát cho rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) có thể sẽ không tiến hành đợt cắt giảm lãi suất thứ hai. Trước đó, SNB đã thực hiện một bước đi táo bạo khi lần đầu tiên cắt giảm suất vào tháng 3/2024.

Cuộc họp của SNB cũng sẽ diễn ra vào ngày 20/6. Các nhà kinh tế đang chia rẽ về ý định của SNB. Việc giữ lãi suất ở trạng thái chờ sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát gia tăng và sự mất giá của đồng franc.

Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil và Paraguay dự kiến sẽ giữ nguyên chi phí đi vay trong khi Chile dự kiến sẽ hạ tốc độ cắt giảm lãi suất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục