Tâm lý lạc quan sẽ tiếp tục bao trùm thị trường dầu mỏ trong năm 2022

06:30' - 13/01/2022
BNEWS Với việc nguồn cung dầu bị hạn chế và những lo ngại về tình trạng nhu cầu yếu đang dịu dần, thị trường dầu mỏ thế giới dường như đang phát đi tín hiệu tăng giá trong năm nay.

Bằng chứng là thị trường đã khởi động năm 2022 với một “cú nổ” về giá. Một thị trường từng được cho là đang ở trong tình trạng thặng dư nguồn cung nghiêm trọng đã tăng vượt mức 80 USD/thùng vào tuần trước, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khởi sắc bất chấp sự xuất hiện và lan rộng của biến thể Omicron và một loạt hạn chế về nguồn cung đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất dầu từ Canada đến Nga.
Với việc các ngân hàng đầu tư đều đưa ra kịch bản về môi trường giá cao hơn và các hợp đồng quyền chọn đều hướng tới khả năng việc giá dầu thô tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng, thị trường “vàng đen” đang một lần nữa đe dọa làm gia tăng mức độ ảnh hưởng của lạm phát, đặc biệt là đối với những quốc gia “đói” nhiên liệu.
Đây cũng sẽ là một “cú sốc” lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã dành nhiều thời gian và công sức để ổn định giá cả, bao gồm cả việc mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược.
Michael Tran, chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho biết: “Tâm lý lạc quan khiến thị trường khởi sắc. Với các yếu tố như nhu cầu cải thiện, hàng tồn kho giảm và câu hỏi còn bỏ ngỏ về khả năng gia tăng sản xuất của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sự lạc quan này dự kiến sẽ tiếp tục thống trị thị trường".
Nhu cầu khởi sắc trong khi nguồn cung tăng chậm
Những biến động về giá trên thị trường dầu mỏ được cảm nhận rõ ràng và nhanh chóng hơn bất kỳ loại hàng hóa nào khác, bởi sự biến động này gần như sẽ được chuyển ngay lập tức vào giá thành của các sản phẩm cuối cùng như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Một ví dụ điển hình là trong tháng này, trên khắp Kazakhstan đã xảy ra các cuộc biểu tình sau khi chính phủ nước này cho phép giá khí hóa lỏng - một loại nhiên liệu đường bộ quan trọng - tăng vọt.
Với sức ảnh hưởng to lớn như vậy, cũng là dễ hiểu khi giá dầu sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương, những thể chế đang vừa phải kiềm chế lạm phát tăng cao vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đối với nhu cầu tiêu thụ, OPEC và các đồng minh (OPEC+) dự đoán virus SARS-CoV-2 sẽ không làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế và khẳng định họ sẽ tiếp tục với chiến lược dần khôi phục dần sản lượng về mức trước đại dịch.
Mặc dù cho rằng thị trường đang ở trong tình trạng dư cung, song dự báo trong quý I/2022 của OPEC lại cho thấy ít sự bi quan hơn, một phần do mức tăng nguồn cung từ các đối thủ của nhóm này đang gây thất vọng.
Liên minh này dự kiến nguồn cung dầu sẽ vượt ngưỡng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm, ít hơn 25% so với dự báo cách đây một tháng. Trong khi đó, tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng trở lại và đạt ngưỡng 4,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nhu cầu dự kiến sẽ đạt mức cao nhất là 100 triệu thùng/ngày vào tháng Sáu tới.
Về nguồn cung, tình trạng đóng băng sâu ở Canada và miền bắc nước Mỹ đang làm gián đoạn dòng chảy dầu và đẩy giá lên cao trong khi kho dự trữ dầu của Mỹ giảm. Nga đã thất bại trong việc thúc đẩy sản lượng dầu vào tháng trước, mặc dù nước này đã triển khai tất cả năng lực sản xuất hiện có bằng cách tăng mạnh hạn ngạch trong OPEC+. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Kazakhstan cũng đã dẫn đến sự điều chỉnh tạm thời về sản lượng tại mỏ dầu khổng lồ Tengiz, mỏ dầu lớn nhất quốc gia này.
Tương tự, Libya - quốc gia đã bơm hơn 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm ngoái - hiện đang sản xuất ít hơn khoảng 25% so với mức này, trong khi ở Nigeria, dòng chảy dầu cũng đang chậm lại đáng kể. Tháng 12/2021, Nigeria bơm tổng cộng 1,35 triệu thùng dầu/ngày, mức thấp nhất trong nhiều năm, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Trong khi đó, các hợp đồng giao ngay của dầu diễn biến rất sôi động. Điều này cho thấy người mua sẵn sàng trả cao hơn để đảm bảo có được các thùng dầu nhanh hơn.
Giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đang giao dịch ở mức cao hơn khoảng 70 xu Mỹ/thùng so với hợp đồng tháng Tư và cao hơn 35 xu Mỹ so với một tháng trước đó.
Trong khi đó, thị trường ở Mỹ cũng đang cho thấy nguồn cung ngày càng được thắt chặt - các loại dầu chủ chốt đã tăng giá trong những ngày gần đây do nhu cầu xuất khẩu ổn định, trong khi thời tiết lạnh giá làm gián đoạn nguồn cung.
Trong dài hạn, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Hầu hết các công ty dầu mỏ được niêm yết trên thị trường chứng khoán đã hạn chế “mở van” bơm dầu ngay cả khi giá đã tăng, vì các cổ đông vẫn e dè với việc tăng sản lượng.
Có lẽ đây cũng là một phần lý do khiến giới đầu tiếp tục “cược” rằng giá dầu thô Mỹ và giá dầu Brent sẽ tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trong năm 2022 (trong các hợp đồng quyền chọn).
Hơn 120.000 lô dầu Brent và dầu thô Mỹ đã được giao dịch với các mức giá 100 USD/thùng, 125 USD/thùng và 150 USD/thùng trong tuần trước. Lượng dầu trên tương đương với hơn 60 tàu chở đầy dầu thô giao dịch trong 5 ngày.
Đầu tư dè dặt và khả năng sản xuất dư thừa vẫn còn
Các chuyên gia cho rằng nhiều rào cản đối với thị trường “vàng đen” vẫn còn. Đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ lần bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán có khả năng làm trật hướng chuyển động của dầu mỏ, do nhu cầu tiêu thụ của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sụt giảm.
Và trong khi việc mở kho dự trữ dầu chiến lược do Tổng thống Biden khởi xướng đã không ghìm được giá dầu quá lâu, chính quyền của ông đã “để ngỏ” cánh cửa cho các hành động tiếp theo.
Ngoài ra, mối đe dọa về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất để chống lại xu hướng lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường dầu vì đồng USD sẽ tăng giá, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người hoặc quốc gia nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận đó là thị trường vẫn đang tăng giá. Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn tài chính Goldman Sachs, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV rằng hiện nay chỉ có hai quốc gia trên thế giới là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) là có thể bơm nhiều dầu hơn so với tháng 1/2020, giai đoạn trước khi đại dịch thực sự ập đến. Điều này có nghĩa là thị trường dầu mỏ có thể sẽ bị thắt chặt trong vòng từ ba đến sáu tháng tới, ông Jeff Currie nói.
Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley dự kiến giá dầu Brent sẽ tăng lên ngưỡng 90 USD/thùng vào quý III/2022. Ước tính các kho dự trữ dầu đã giảm khoảng 690 triệu thùng trong năm 2021.
Nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley Martijn Rats nhận định rằng sức mạnh thị trường vẫn sẽ tiếp tục, với triển vọng hàng tồn kho thấp và nhu cầu tiếp tục phục hồi đến năm 2023. Bên cạnh đó, các yếu tố như đầu tư dè dặt và khả năng sản xuất dư thừa vẫn còn tồn tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục