Tân Thủ tướng Anh “thừa hưởng” nền kinh tế bên bờ suy thoái

07:02' - 06/09/2022
BNEWS Ngày 5/9, Vương quốc Anh đã chào đón nhà lãnh đạo mới, bà Liz Truss, người sẽ thay thế ông Boris Johnson để trở thành nữ Thủ tướng thứ ba trong lịch sử "đảo quốc sương mù".

Trong một tuyên bố sau khi giành chiến thắng, bà Truss thông báo sẽ đưa ra một "kế hoạch táo bạo" để cắt giảm thuế, phát triển nền kinh tế và đối phó với đà tăng của chi phí năng lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý tân Thủ tướng Anh sẽ "thừa hưởng" một nền kinh tế chuẩn bị rơi suy thoái trước cuối năm nay, với dự báo lạm phát hai con số sẽ tăng cao hơn nữa.

*Khủng hoảng phí sinh hoạt

Với lạm phát trên 10%, mức cao nhất trong 40 năm, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, bà Truss đã cam kết cắt giảm thuế trong chiến dịch tranh cử của mình.

Bà cũng hứa hẹn sẽ đảo ngược đà tăng mức đóng góp vào Bảo hiểm Quốc gia của người lao động thời gian gần đây để tài trợ cho các dịch vụ y tế công cộng và phúc lợi xã hội. Bà Truss còn đề xuất giảm thuế nhiên liệu vốn được sử dụng để chi trả cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Các hộ gia đình ở Anh đang phải đối mặt với mức tăng trung bình 80% trong các hóa đơn điện và khí đốt từ tháng tới, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trước mùa Đông ngày càng tồi tệ.

Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho rằng một số lời hứa mà bà Truss đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử có thể "biến mất" khi bà ấy nhậm chức và thực tế "lạnh lùng" về cuộc khủng hoảng lớn mà chính phủ phải đối mặt trở nên rõ ràng.

Dự kiến, khoản ngân sách khẩn cấp sẽ được công bố  trong vòng vài tuần tới, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự đoán Anh sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài một năm vào cuối năm 2022.

 

*Bài toán năng lượng

Bà Truss đã ủng hộ tham vọng của nước Anh về việc đạt được tình trạng trung hòa carbon vào năm 2050. Bà ủng hộ các dự án đầu tư vào năng lượng, bao gồm cả công nghệ khai thác dầu fracking gây tranh cãi. Bà Truss cũng muốn gia tăng nguồn cung năng lượng từ Biển Bắc và ủng hộ chính sách hiện tại của Chính phủ Anh về đầu tư vào năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Tuần trước, ông Johnson đã cam kết tài trợ 700 triệu bảng Anh (815 triệu USD) cho nhà máy điện hạt nhân Sizewell C mới, khi ông chuẩn bị bàn giao quyền lực với tư cách là Thủ tướng Anh. Nhà máy Sizewell C ở miền Đông nước Anh dự kiến sẽ được xây dựng với sự hợp tác của công ty năng lượng Pháp EDF và có thể cung cấp điện cho khoảng sáu triệu ngôi nhà. Hiện nước Anh đang phải gia tăng nỗ lực bảo vệ an ninh năng lượng sau khi xung đột Nga-Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao.

*Quy chế tài chính

Bà Truss đã kêu gọi một cuộc cải cách các cơ quan quản lý tại khu tài chính City of London. Đáng chú ý, bà muốn hợp nhất Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA), Cơ quan Quản lý Hệ thống Thanh toán (PSR) và Cơ quan Quản lý An toàn (PRA), chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng và là một bộ phận của BoE. Bà Truss đã chỉ trích phản ứng của BoE đối với đà tăng của lạm phát và đề xuất kiểm tra quy chế cho phép ngân hàng này độc lập về chính sách tiền tệ vào năm 1997.

Phản ứng lại, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã lưu ý rằng uy tín tài chính của nước Anh phụ thuộc vào sự độc lập của ngân hàng này với chính phủ. Trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát toàn cầu, BoE và các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay.

Sau thông báo về nhà lãnh đạo mới, chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch chứng khoán London Anh gần như đứng yên. Pooja Kumra, chiến lược gia tại TD Securities cho rằng kết quả của cuộc bầu cử hoàn toàn không gây ngạc nhiên cho thị trường. Hiện các thị trường đang chờ đợi những gì bà Truss thực sự sẽ làm về chính sách tài khóa và cắt giảm thuế để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục