Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn hàng không

16:24' - 06/07/2023
BNEWS Hoạt động hàng không tại các sân bay trở lên nhộn nhịp hơn khi nhiều đường bay được mở lại sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiêu, thời gian gần đây đã xảy ra một số sự cố gây uy hiếp đến an toàn hàng không
Cùng với việc phục hồi thị trường hàng không với nhiều đường bay được mở lại, hoạt động hàng không tại các sân bay trở lên nhộn nhịp hơn. Tuy nhiêu, thời gian gần đây đã xảy ra một số sự cố gây uy hiếp đến an toàn hàng không. Điển hình như vụ hai máy bay suýt đâm nhau tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài diễn ra hôm 24/6 vừa qua, tình trạng máy bay dính đinh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng uy nhiếp đến an toàn hàng không. Hay gần đây nhất hôm 3/7 vừa qua, sân bay Vinh bị bong tróc, nứt đường băng làm hàng chục chuyến bay bị hủy…vụ việc này cũng được đánh giá là có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hàng không.

Về sự cố sân bay Vinh bị bong tróc, nứt đường băng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sớm có báo cáo đánh giá nguyên nhân xảy ra vụ việc. Đồng thời phải thực hiện rà soát, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các sân bay trên toàn quốc về tình trạng kỹ thuật nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng và các vi phạm về bảo vệ an toàn công trình tại cảng hàng không để xử lý theo quy định nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối tại cảng hàng không, sân bay.

Ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh cho biết, các hoạt động tại sân bay đã trở lại bình thường từ sáng 4/7. Theo ông Hoàng Văn Thư, quy trình kiểm tra an ninh, an toàn sân bay tuân thủ theo quy định được xây dựng và phê duyệt bởi các cơ quan có chuyên môn. Theo đó, việc kiểm tra được tiến hành ở nhiều hạng mục; trong đó có đường cất hạ cánh (đường băng).

“Về kiểm tra an toàn đường cất hạ cánh, chúng tôi xây dựng quy định kiểm tra định kỳ 2 lần/ngày và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu. Hai lần kiểm tra trong ngày được thực hiện vào khoảng thời gian giãn cách lớn giữa các chuyến bay, lần 1 vào đầu ngày và lần 2 vào buổi chiều. Ngoài ra, sau mỗi lần cất hạ cánh, anh em trực tại đường băng có nhiệm vụ trực tiếp quan sát. Do quá trình hoạt động tàu bay lên xuống liên tục nên khi máy bay ra, anh em trực đã quan sát, phát hiện và dừng kịp thời”, ông Hoàng Văn Thư cho hay.

 
Về vấn đề máy bay va phải vật ngoại lai (FOD) từ mảnh kim loại, sỏi, đá dăm, ốc vít... cắt vào lốp máy bay khi di chuyển ở các sân bay cũng được xem là việc uy hiếp an toàn hàng không. Cụ thể, thông tin máy bay "cán phải đinh" tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất thời gian vừa qua cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong quá trình khai thác bay thỉnh thoảng vẫn xảy ra những sự cố vật ngoại lai - FOD cắm vào lốp máy bay. Đây có thể là ốc vít, các mảnh vỡ cứng... xuất hiện trên đường băng, đường lăn, chứ không phải thực sự là đinh. Việc kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, FOD có thể gây nguy hại đến sân bay hoặc máy bay như cắt lốp máy bay, gây hỏng động cơ máy bay, kẹt trong máy, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay. Tuy nhiên, với dòng máy bay kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng bảo đảm máy bay hạ cánh an toàn. Còn với động cơ, nếu tắt 1 động cơ máy bay vẫn hạ cánh an toàn, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc hiếm khi xảy ra.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy bay "cán phải đinh" như vừa qua, đại diện một hãng hàng không cũng nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu là do vật ngoại lai như mảnh kim loại, sỏi, đá dăm... cắt vào lốp máy bay khi di chuyển. Nguồn gốc phát sinh vật ngoại lai có thể từ trang thiết bị hoạt động trên khu bay của các hãng hàng không, dụng cụ sản xuất, công trình thi công nâng cấp, cải tạo gần khu bay…

"Dù vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng vẫn ảnh hưởng đến an toàn khai thác của hãng hàng không, gây thiệt hại về kinh tế do các hãng phải sửa chữa, thay lại phụ tùng máy bay. Ngoài ra, khi phát hiện vấn đề ở lốp, các hãng phải sửa chữa, thay thế, ảnh hưởng lịch khai thác của các chuyến bay", đại diện hãng hàng không này chia sẻ.

Đại diện một hãng hàng không khác nhận định, tỷ lệ lệ máy bay "cán phải đinh" là một sự cố rất nhỏ trong mấy triệu lượt máy bay cất hạ cánh và các hãng trong quy trình kiểm tra kỹ lưỡng sau mỗi lần cất, hạ cánh thường xử lý, thay thế luôn nên không ảnh hưởng lớn đến an toàn bay.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, việc kiểm soát FOD tại cảng được tiến hành thường xuyên. Hàng ngày, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài tổ chức kiểm tra, thu gom FOD, vệ sinh sân đường khu bay thường xuyên, định kỳ và bất thường khi có sự vụ. Mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được. Việc thu gom diễn ra gần như 24/7 theo các khung giờ nhất định trong tất cả các vị trí đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh… và khi có vụ việc bất thường nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn bay.

Luật sư Lê Cao Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận, các vụ việc xảy ra gần đây, đặc biệt là vụ hai máy bay suýt đâm nhau tại sân bay Nội Bài hôm 24/6 vừa qua có nguy cơ gây mất an ninh an toàn hàng không. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân để làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia hàng không, trong các loại hình giao thông, hàng không đòi hỏi mức độ đảm bảo an toàn cao nhất bởi nếu không may xảy ra tai nạn, hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay Cục đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không. Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo công khai thông tin tiếp nhận, thu thập dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không như vi phạm quy định về hoạt động bay, hoạt động vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; vi phạm quy định về an ninh hàng không; vi phạm quy định về quản lý an toàn hàng không…tại hộp thư điện tử: tthk@caa.gov.vn và số điện thoại đường dây nóng: 0240 8272 288.

Về công tác đảm bảo an toàn hàng không, theo Cục Hàng không Việt Nam, cuối tháng 5 vừa qua, Cục đã ra quyết định phê duyệt “Mục tiêu an toàn năm 2023 của các cảng hàng không, sân bay”. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay xây dựng, triển khai kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu an toàn năm 2023 của từng chỉ số an toàn quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng (SSP) đã được phê duyệt; các cảng hàng không, sân bay tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn, việc thực hiện mục tiêu an toàn, kịp thời đưa ra các giải pháp cải tiến kế hoạch hành động, trường hợp kế hoạch hành động đã được lập chưa hiệu quả.

Để tăng cường kiểm soát vật thể lạ, vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tàu bay, ngày 6/7, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm soát vấn đề này. Theo đó, ACV được yêu cầu chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc tăng cường kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh sân đường, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra tình trạng sân đường, khu bay để kịp thời phát hiện, dọn dẹp FOD, đặc biệt tại 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không đang có hoạt động thi công tại khu bay. ACV cũng cần rà soát lại số liệu, chỉ số liên quan đến vật thể lạ, vật ngoại lai, cũng như thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, xác định mức độ cảnh báo đối với các cảng hàng không có sự gia tăng về chỉ số vật thể lạ, vật ngoại lai.

Ngoài ra, ACV cần thực hiện đầy đủ vai trò của nhà khai thác cảng hàng không, sân bay; trong đó, kịp thời yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất, đơn vị thi công trên khu bay kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng FOD phát sinh từ phương tiện phục vụ mặt đất, hoạt động thi công và quản lý, kiểm tra kỹ thuật với các phương tiện kỹ thuật và dụng cụ trong khu bay.

Đặc biệt, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện hệ thống quản lý, bảo đảm an ninh hàng không, giám sát các doanh nghiệp hàng không xây dựng hệ thống quản lý an ninh hàng không theo quy định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan trong ngành hàng không nhanh chóng hoàn thành xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin với các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động hàng không dân dụng. Đẩy mạnh việc tuyên tuyền, nâng cao nhận thức trong bảo đảm an ninh hàng không./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục