Tạo dấu ấn từ các công trình thủy điện

11:31' - 14/01/2022
BNEWS Nhắc đến Công ty CP Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (ĐHĐ) là nhắc đến Nhà máy thủy điện Đa Nhim với gần 60 năm vận hành và cụm Nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi đã hơn 20 năm hòa lưới điện quốc gia.

Các nhà máy thủy điện này ngoài nhiệm vụ vận hành phát điện phục vụ công cuộc phát triển đất nước còn cung cấp nước phục vụ dân sinh cho các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Thương hiệu ĐHĐ đã và đang tạo dấu ấn từ các công trình thủy điện. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng giám đốc ĐHĐ xung quanh nội dung này.

 

Phóng viên (PV): Ngày mai 15/1, sẽ tròn 58 năm ngày phát điện của Nhà máy thủy điện Đa Nhim (15/1/1964 - 15/1/2022). Xin ông đánh giá hiệu quả nổi bật của nhà máy này mang lại trong các nhà máy điện của ĐHĐ nói riêng và hệ thống điện Việt Nam nói chung?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Nhà máy thủy điện Đa Nhim là một công trình thủy điện lịch sử đã đưa vào vận hành 58 năm. Tại thời điểm xây dựng, nhà máy được đánh giá là một công trình thủy điện công suất lớn đầu tiên tại miền Nam nhằm khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai để cung cấp điện cho phụ tải khu vực và miền Nam qua đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn.

Công trình thủy điện Đa Nhim có 2 hiệu quả nổi bật. Thứ nhất là cung cấp nguồn điện cho khu vực với sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 1 tỷ kWh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ hai là cung cấp nguồn nước dồi dào hàng năm trên 500 triệu m3 phục vụ dân sinh và thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16 nghìn ha.

PV: Cùng với mốc lịch sử này, xin ông đánh giá những kết quả nổi bật và những khó khăn nào đặt ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của ĐHĐ trong suốt hơn 20 năm qua?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Kể từ khi sáp nhập cụm thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận Đa Mi vào ngày 22/5/2001 để hình thành nên Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đến nay đã hơn 20 năm. Điểm nổi bật nhất là chúng tôi tập trung được nguồn nhân lực từ các nhà máy điện riêng lẻ nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của Công ty để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ số lượng người lao động hơn 400 người khi sáp nhập hai cụm thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi để vận hành với công suất 642,5 MW, hiện nay Công ty chỉ còn 250 người lao động, nhưng đã tiếp nhận quản lý vận hành thêm hai nhà máy điện tương ứng với tổng công suất lắp đặt là 770 MW.

Nhân sự của ĐHĐ cũng ngày càng trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn qua các dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004 - 2006); Dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi (2017 - 2019); Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim (2012 -2021).... Với kinh nghiệm từng trải trong quản lý vận hành và thực hiện các dự án đầu tư phát triển nguồn điện, Công ty ĐHĐ đã tham gia cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong và ngoài ngành điện trên khắp cả nước và sang đến nước bạn Lào.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển nhanh, nhu cầu phụ tải tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình vận hành các nhà máy điện của Công ty.

Bên cạnh đó, diễn biến thủy văn khó dự báo và thường thay đổi nhiều giữa các năm dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cũng thay đổi theo.

Mặt khác, việc các nhà máy điện mới được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây đã thu hút mạnh mẽ nguồn lao động, đặc biệt là lao động có kinh nghiệm, với chế độ đãi ngộ cao.

Công ty ĐHĐ cũng bị ảnh hưởng khi một số cán bộ có kinh nghiệm chuyển đến làm việc tại các đơn vị mới. Do đó, việc thực hiện đãi ngộ người lao động, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn để người lao động gắn bó lâu dài là một nhiệm vụ rất cấp thiết của lãnh đạo Công ty.

Trong năm 2021, Công ty ĐHĐ gặp nhiều thuận lợi khi lưu lượng nước về các hồ Đơn Dương và Hàm Thuận đều cao hơn năm 2020 và trung bình nhiều năm.

Trong đó, lưu lượng về hồ Đơn Dương đạt 28,36m3/s và hồ Hàm Thuận đạt 56,26m3/s. Với tổng công suất 770 MW, trong năm Công ty ĐHĐ đã sản xuất được 3,05 tỷ kWh, tăng 22,6% so với kế hoạch; tổng doanh thu tăng 35,62% so với kế hoạch, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 88,42%, đảm bảo 100% cổ tức cho cổ đông theo Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 30/6/2021.

PV: Đặc biệt sau 10 năm hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần đã tạo bước ngoặt cho ĐHĐ phát triển ra sao trong sản xuất kinh doanh, nhất là về tình hình tài chính, so với giai đoạn đầu khi triển khai Công ty còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Sau cổ phần hoá, bằng sự nỗ lực không ngừng, Công ty ĐHĐ từng bước vươn lên. Sau 30 tháng hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Công ty đã đạt được lợi nhuận bù hết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giai đoạn trước cổ phần hoá để lại.

Hàng năm, Công ty đều xử lý hết lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm và đến nay không còn treo khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nào.  Năm 2014 là năm đầu tiên Công ty bắt đầu có lãi và chia cổ tức cho cổ đông.

Từ khi cổ phần hóa đến nay, ĐHĐ liên tục đạt được kết quả sản suất kinh doanh vượt bậc với tình hình tài chính được cải thiện đáng kể. Các chỉ số về đánh giá tài chính như khả năng thanh toán, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận...đều đạt và vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu năm 2011 là 1.415 tỷ đồng, ước tính đến cuối năm 2021 là 5.730 tỷ đồng, tăng 404,9%. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vượt bậc đã tạo tiền đề để Công ty đủ nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện mới như Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và Dự án điện mặt trời Đa Mi. Các dự án này góp phần tăng công suất của Công ty ĐHĐ từ 642,5 MW lên 770 MW. Công ty luôn hoàn thành mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, tối đa hoá lợi nhuận, phát triển công ty theo hướng bền vững.

PV: Trong 20 năm qua, ĐHĐ đã triển khai những dự án đáng chú ý nào vừa góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, vừa tăng năng lực cạnh tranh trong hệ thống nguồn điện Việt Nam thưa ông? Vai trò của ĐHĐ trong hệ thống các nguồn điện của Việt Nam hiện nay như thế nào?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Với nhiệm vụ bảo toàn và ngày càng gia tăng vốn chủ sở hữu, trong 20 năm qua Công ty ĐHĐ đã triển khai các dự án nhằm nâng cấp hệ thống thiết bị, công trình và phát triển nguồn điện.

Các dự án điển hình của Công ty như: Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004-2006) nhằm nâng cấp hệ thống tua-bin, máy phát và hệ thống thu thập số liệu thủy văn; Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi nhằm xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Đa Mi công suất 47,5 MWp; Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim nhằm lắp thêm 1 tổ máy công suất 80 MW trên cơ sở tận dụng hồ chứa và đập tràn hiện hữu để tận dụng tối đa tiềm năng thủy điện của hồ Đơn Dương và nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Đa Nhim lên 240 MW, từ đó  nâng tổng công suất của Công ty lên 770 MW.

Với sản lượng hàng năm khoảng 2,7 tỷ kWh, Công ty ĐHĐ đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực miền Nam, đặc biệt là vào giờ cao điểm tối khi các nguồn năng lượng mặt trời không vận hành.

PV: ĐHĐ đã hoàn thiện toàn bộ dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Xin ông cho biết những cố gắng của tập thể chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã vượt qua bao khó khăn khi triển khai dự án này? Sau khi dự án hoàn thành, sẽ tăng năng lực phát điện của ĐHD trong hệ thống điện hiện nay ra sao, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Để hoàn thiện toàn bộ Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Công ty ĐHĐ và các nhà thầu đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Dự án mở rộng được triển khai trên địa hình phức tạp có độ dốc cao nhất đến 45 độ, trải dài trên hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Trong quá trình triển khai, địa chất công trình trên thực tế phức tạp hơn rất nhiều so với thiết kế nên ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao nhất của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn, chúng tôi đã đưa Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng vận hành giai đoạn 1 với công suất 45 MW vào ngày 25/12/2018 và vận hành đủ công suất thiết kế 80 MW vào ngày 4/8/2021.

Dự án mở rộng Đa Nhim hoàn thành đã nâng tổng công suất của Công ty ĐHĐ lên 770 MW với sản lượng hàng năm khoảng 2,7 tỷ kWh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống điện Quốc gia.  

PV: Xin ông cho biết những định hướng và mục tiêu, kế hoạch cụ thể của ĐHĐ trong 5 năm tới ra sao và riêng năm 2022, ĐHD sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thuận lợi như thế nào trong sản xuất kinh doanh? Do vậy những giải pháp nào được ĐHĐ đề ra để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ đó?

Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc: Trong 5 năm tới, Công ty ĐHĐ tiếp tục phát triển trên mọi mặt nhằm đáp ứng kỳ vọng của cổ đông cũng như bảo toàn và phát triển vốn, chăm lo tốt đời sống của người lao động, đảm bảo vận hành an toàn ổn định các nhà máy điện và công trình. Ngoài ra, công tác đào tạo nhân sự, chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động sẽ được chú trọng. Bên cạnh đó, Công ty tiếp thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng Đa Nhim - Giai đoạn 2 với công suất 80 MW nhằm tận dụng tiềm năng thủy điện dồi dào của hồ Đơn Dương và cung cấp thêm nguồn nước cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận.

Việc nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thiết bị công trình cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho toàn bộ các nhà máy thủy điện của Công ty quản lý.

Một việc nữa không kém phần quan trọng là Công ty sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, thực hiện các chế độ đãi ngộ người lao động phù hợp với khả năng chuyên môn, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ổn định nguồn thu nhập để người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Công ty.

Năm 2022, Công ty ĐHĐ đăng ký sản xuất 2,32 tỷ kWh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Công ty tăng cường kỷ luật trong quản lý vận hành và quản lý kỹ thuật, đảm bảo các tổ máy phát điện ở trạng thái sẵn sàng tham gia phát điện; đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng điện, hoàn thành các chỉ tiêu kỹ thuật, tài chính đề ra. Trong đó, Công ty tích cực tham gia thị trường điện, thực hiện chào giá hiệu quả; phối hợp Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia khai thác tối ưu các hồ chứa, sẵn sàng phát điện và cấp nước các vùng hạ du trong mùa khô 2022.

Ngoài ra, Công ty bố trí, phân bổ lực lượng lao động hợp lý, phù hợp với công việc để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; thực hiện đề án nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành các tổ máy phát điện nhằm tăng hiệu quả vận hành tối đa của thiết bị và giảm chi phí trong bảo dưỡng sửa chữa. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị của Công ty. Trong đó, tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chất lượng cao; đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục