Tôn vinh 30 doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018

21:46' - 04/10/2018
BNEWS Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13-10), tôn vinh 30 doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và Giám đốc VCCI Hải Phòng Phí Văn Dực trao tặng Bằng khen cho cá cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tối 4/10, tại thành phố Hải Phòng, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13-10), tôn vinh 30 doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018; truy tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho doanh nhân Bạch Thái Bưởi - "Vua tàu thủy Việt Nam".

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải phía Bắc nói riêng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế trong những năm qua, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và tăng cường vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ và không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ.

Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi lễ Ảnh: An Đăng - TTXVN

Hiện thực hóa điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Nâng cấp chất lượng quản trị của các doanh nghiệp là một hướng đi cấp thiết để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi "bẫy thu nhập trung bình".

Mục tiêu cải cách thể chế của Chính phủ là bắt kịp những chuẩn mực hàng đầu trong ASEAN. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải sẵn sàng và tích cực tham gia cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Giám đốc Chi nhánh VCCI - Hải Phòng Phí Văn Dực cho biết: Cả nước hiện có trên 600.000 doanh nghiệp, trong đó riêng khu vực Duyên hải phía Bắc, năm 2017 đã có 8.168 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 54.997 tỷ đồng, tăng 24,34 % về số lượng doanh nghiệp và 10,6 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam có thứ hạng thấp nhất về quản trị doanh nghiệp trong số 6 nước được xếp hạng trong khu vực ASEAN.

Theo thống kê, mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% ở các nước ASEAN. Về chỉ tiêu GDP năm 2017, Việt Nam vẫn rất thấp chỉ đạt 2.385 USD/người, kém so với Lào, chỉ hơn Căm-Pu-Chia và My-an-ma trong khối ASEAN.

Ông Phí Văn Dực khẳng định: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam tháng 9 năm 2018: “Doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu cao hơn, đặc biệt sáng tạo hơn để nâng tầm phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong khu vực”, VCCI tại Hải Phòng tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ là người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; tăng cường sâu sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của của doanh nghiệp để tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp; chủ động phối hợp với các hiệp hội triển khai những chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó có nội dung nâng cao tính chuyên nghiệp và thực hành liêm chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục