Tạo động lực cho dịch vụ logistics - Bài 2: Giành lại thị phần

06:42' - 23/12/2016
BNEWS Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương soạn thảo kế hoạch hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Bốc xếp hàng hóa tại khu vực cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương soạn thảo kế hoạch hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tạo thuận lợi cho kế hoạch hoạt động thương mại và nâng cao sức cạnh tranh với các quốc gia khác.

Tại kế hoạch hành động này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước có dịch vụ logistics phát triển hàng đầu thế giới; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa, giảm chí phí logistics về mức 19% trong tổng chi phí sản xuất (hiện tại 25%).

Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, cải cách hành chính, tái cấu trúc hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp; hình thành doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước…

Bộ Công Thương cũng đề ra năm nhóm giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics. Đặc biệt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi tập quán xuất nhập khẩu mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất), để tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Theo nhận định từ Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đây là một kế hoạch hành động quan trọng của Chính phủ, có tác động trực tiếp tới việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam ở quy mô quốc gia, nhất là trong tình hình Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới qua hàng loạt Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (gọi tắt là các LSPs) có dịp nhìn toàn cảnh, sâu sắc về môi trường kinh doanh, năng lực thực sự của mình để hiến kế các giải pháp có tính đột phá, đúng tầm nhằm đưa ngành logistics phát triển bền vững hơn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương ) khẳng định, kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics kì vọng sẽ tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp logistics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng vươn lên cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, thông qua kế hoạch hành động này, các doanh nghiệp sẽ gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa logistics vào danh mục các lĩnh vực, ngành hàng ưu tiên triển khai thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi chưa có phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành quản lý logistics thương mại thì việc thành lập một ủy ban điều phối liên ngành logistics là cần thiết.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Cảng biển Hòn La (Quảng Bình), khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Đây cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để củng cố và gia tăng thị phần vận tải biển, logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương sắp tới cũng như mở rộng thị trường này theo cam kết của hội nhập quốc tế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, cần tiến tới quy hoạch quốc gia về phát triển logistics, trên cơ sở đó phát triển logistics từng vùng trọng điểm gắn với việc thiết lập các chuỗi cung ứng phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu.

Như thế mới nâng cao khả năng điều phối quốc gia, năng lực quản lý hệ thống và khả năng của thị trường, người sử dụng dịch vụ logistics.

Cụ thể hơn, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải đề xuất việc lập sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa quốc gia đồng thời tiến hành rà soát các hình thức, phương tiện giao thông vận tải, hệ thống kho bãi, xây dựng cơ sở dữ liệu vận tải và kho vận, triển khai các dự án kết nối các hình thức vận tải trên trục Bắc – Nam với Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển và khu công nghiệp lớn.

Trong lúc chờ đợi những chính sách mới từ một Chính phủ hành động, các doanh nghiệp đã có xu hướng thành lập lĩnh vực kinh doanh logistics.

Điển hình, Công ty cổ phần XNK Quảng Bình không những đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mà còn đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi ngoại quan, điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ logistics với diện tích rộng và cơ sở vật chất hiện đại tại nhiều cảng biển và cửa khẩu lớn.

Dự kiến, đến cuối năm 2016, công ty sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với diện tích hơn 26 ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng.

Đây là dự án cảng cạn đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng và sẽ là một trong những cảng cạn lớn nhất khu vực phía Bắc, vừa có kết nối với đường bộ, vừa có kết nối với cảng biển.

Bên cạnh việc nâng cao tỷ trọng lĩnh vực logistics trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận dự án còn giúp Công ty cổ phần XNK Quảng Bình hoàn thiện hoạt động theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến cung ứng dịch vụ, qua đó tăng cường sức mạnh nội tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục