Thách thức của Hàn Quốc trong vấn đề ổn định giá tiêu dùng

19:00' - 10/08/2021
BNEWS Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng mạnh gần đây đã góp phần làm tăng thêm khó khăn cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS) cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 7/2021 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với mức tăng 2,4% của tháng 6/2021. Hàn Quốc đã chứng kiến giá tiêu dùng tăng hơn 2% trong bốn tháng liên tiếp kể từ tháng Tư vừa qua. Mức tăng 2,6% được ghi nhận trong tháng 5/2021 và 7/2021 là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Điều đáng lo ngại hơn là giá của các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, bao gồm thực phẩm, quần áo và nhà ở... đã tăng 3,4% so với tháng trước, mức tăng nhanh nhất trong gần 4 năm. Đặc biệt, giá nông sản, vật nuôi và thủy sản tăng 9,6% trong tháng 7/2021. Trong khi đó, giá nhà tăng 1,4% - ghi nhận mức tăng trong tháng thứ 15 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết, đà tăng giá tiêu dùng dự kiến chỉ là tạm thời và sẽ chậm lại trong quý III/2021. Tuy nhiên, với việc lạm phát tiếp tục đi lên, dường như khó có thể giữ mức tăng giá tiêu dùng hàng năm dưới mục tiêu mà Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra là 1,8%.

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc gần đây bắt đầu dự đoán về khả năng áp lực làm tăng giá tiêu dùng có thể mạnh lên trong những tháng cuối năm. Họ lưu ý rằng rủi ro đối với lạm phát sẽ lớn hơn, vì điều kiện thời tiết có thể xấu đi do các đợt nắng nóng và bão, cũng như giá dầu thế giới có thể tăng cao hơn.

Hôm 2/8 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nhấn mạnh, nước này cần phải ổn định giá cả trước kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu) vào tháng Chín tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Chính phủ Hàn Quốc có thể kiềm chế được lạm phát hay không. Trong cuộc họp với các bộ trưởng vào tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ ra mức tăng giá nhanh chóng của mặt hàng trứng (lên tới 57%) và yêu cầu đưa ra các biện pháp kịp thời để ổn định giá cả mặt hàng này, song cũng chưa mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy triển khai sớm khoản tài chính bổ sung trong năm nay - trị giá 34.900 tỷ won (30,5 tỷ USD) - có thể gây thêm áp lực tăng giá tiêu dùng. Đáng lo ngại hơn, dường như chính quyền của ông Moon Jae-in đã sẵn sàng hoàn tất việc xây dựng thêm một kế hoạch chi tiêu khác trong năm, chủ yếu nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri đối với ứng cử viên của đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 3/2022. 

Việc bơm một lượng tiền mặt khổng lồ không phù hợp với kế hoạch kiềm chế lạm phát. Áp lực lạm phát gia tăng có thể buộc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) nâng lãi suất cơ bản. Tháng trước, BoK đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư đang bắt đầu lan rộng trên cả nước. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol đã ngụ ý rõ rằng BoK sẽ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà theo dõi thị trường kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2022, BoK sẽ tăng lãi suất cơ bản 3 lần, mỗi lần 0,25%, sớm nhất là vào cuối tháng Tám. Các nhà hoạch định chính sách của BoK dường như cảm thấy họ cần có một "động thái đón đầu", trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ vào tháng 10 tới.

Việc nâng lãi suất cơ bản được cho là sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ đối với nhiều hộ gia đình, vốn đang đối mặt với những món nợ chồng chất. Tổng nợ của các hộ gia đình ở Hàn Quốc đang dao động ở mức khoảng 1.700.000 tỷ won, tương đương gần 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Ngoài ra, nguy cơ sụp đổ của thị trường bất động sản cũng có thể làm vỡ "bong bóng" nợ, khiến thị trường tài chính nước này chao đảo. Nền kinh tế Hàn Quốc có thể mắc kẹt trong tình trạng lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng đình trệ, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Tờ The Korea Herald kết luận rằng việc giữ ổn định giá cả để giải quyết tình trạng khó khăn này đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp hơn. Trong bối cảnh nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in sẽ kết thúc vào tháng 5/2022 tới, chính quyền của ông cần thận trọng khi đưa ra các kế hoạch chi tiêu ngân sách, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người kế nhiệm cũng như các thế hệ tương lai của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục