Thách thức kinh tế đối với “mô hình Trung Quốc”

06:30' - 15/09/2018
BNEWS Chiến tranh thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm tốc đặt Chủ tịch Tập Cận Bình trước hai lựa chọn trái ngược.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN
Trước tháng 5/2018, kinh tế mọi mặt của Trung Quốc đều ở trong trạng thái tốt. Thị trường chứng khoán, tỷ giá đồng NDT hay chuyện nước ngoài rút vốn đều không quá đáng lo. Nhưng sau tháng 5/2018, kinh tế Trung Quốc như “hộp Pandora mở ra”, thị trường chứng khoán lao dốc, đồng NDT trượt giá liên tục, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm.

Nói cách khác, dấu hiệu tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã rất rõ ràng. Đáng chú ý hơn là nó xuất hiện khi kinh tế Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ nhằm vào hàng hóa của nước này.

Tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc? Theo tờ Tin tức Thế giới, chủ yếu là do từ đầu năm 2018, Trung Quốc thực hiện chính sách giảm đòn bẩy tài chính nhằm xử lý vấn đề nợ. Trước khủng hoảng tài chính năm 2008, tổng nợ của Trung Quốc, gồm cả nợ doanh nghiệp và nợ của chính quyền địa phương tương đương 141% GDP, nhưng tới quý III/2017 đã tăng lên 266% GDP.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia đều nhận định nợ của Trung Quốc đã hình thành bong bóng, có thể vỡ bất cứ lúc nào và đang ươm mầm cho khủng hoảng tài chính. Do vậy, đầu năm 2018, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách giảm đòn bẩy tài chính để giảm nợ.

Cái gọi là “giảm đòn bẩy” (tài chính) là thắt chặt tín dụng. Ngân hàng không còn tiếp tục cho vay với điều kiện dễ dàng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cũng không dễ dàng vay được tiền, vì thế, nợ sẽ không tăng lên.

Giảm đòn bẩy chủ yếu tấn công vào hoạt động vay ngầm, bao gồm việc doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay tiền từ các tổ chức tín dụng không chịu sự giám sát quản lý của chính phủ. Ngoài ra, giảm đòn bẩy còn nhằm đẩy lùi và giảm việc chính quyền địa phương phát hành trái phiếu vay nợ. Kết quả nghiên cứu gần đây chứng thực việc giảm đòn bẩy tài chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc.

Nới lỏng và thắt chặt tín dụng là biện pháp quan trọng được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để điều tiết kinh tế. Trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, sở dĩ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao chủ yếu là do đầu tư của chính quyền, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mười năm sau khủng hoảng tài chính thế giới, mỗi khi tăng trưởng giảm tốc, Trung Quốc liền lấy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm biện pháp kích thích kinh tế nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao trung bình 6,5%.

Ảnh hưởng từ chương trình kích thích kinh tế thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 4.000 tỷ NDT dưới thời Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo tới nay vẫn còn. Có nghiên cứu thậm chí còn chỉ rõ nếu khi đó không áp dụng biện pháp này, về căn bản, Trung Quốc không thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy trong 10 năm sau khủng hoảng tài chính thế giới.

Vấn đề là mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể vay tiền dễ dàng. Như vậy, nợ đương nhiên sẽ tăng lên.

Khó khăn hiện nay mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt là có thể tiếp tục chính sách giảm đòn bẩy thực hiện từ đầu năm 2018 hay không nhằm tháo quả bom hẹn giờ mang tên “bong bóng nợ”, tránh để nó bị kích nổ dẫn tới thảm họa lớn hơn và đưa ra biện pháp kích thích kinh tế nào để duy trì tăng trưởng ở mức 6,5%.

Nếu sử dụng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng, nợ sẽ tiếp tục tăng, chính sách giảm đòn bẩy sẽ bị trì hoãn và nợ lại tăng lên. Nhưng nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm đòn bẩy và thắt chặt tín dụng, tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm mạnh hơn. Chính sách giảm đòn bẩy thực hiện càng lâu, mức độ suy giảm tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2018 và năm 2019 sẽ càng cao.

Năm 2013, ông Tập đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc so với năm 2010. Tại Đại hội 19 vào cuối năm 2017, nhà lãnh đạo này lại đặt mục tiêu tới năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa.

Muốn thực hiện được hai mục tiêu này, Trung Quốc chắc chắn phải nới lỏng tín dụng, chính phủ sẽ phải thúc đẩy đầu tư, thông qua ngân hàng rót một lượng tiền lớn cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Như vậy ở đây xuất hiện mâu thuẫn giữa nới lỏng và thắt chặt tín dụng. Vậy Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải lựa chọn như thế nào?

Hãng Bloomberg đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ sớm áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác. Nếu điều này xảy ra, kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với đòn tấn công bằng thuế quan có quy mô lớn hơn nhiều so với 50 tỷ USD đầu tiên và ảnh hưởng của nó sẽ được phản ánh trong năm 2019. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 có thể sẽ giảm mạnh.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh Trung Quốc phải tin vào bản thân mình, tin vào “mô hình Trung Quốc”. Tại Đại hội 19, ông Tập còn nói phải xuất khẩu “mô hình Trung Quốc”, giúp giải quyết vấn đề của nhân loại; 40 năm cải cách mở cửa, tạo dựng kỳ tích kinh tế chứng minh “mô hình Trung Quốc” là khả thi.

Nhưng trước nguy cơ tăng trưởng giảm tốc nhãn tiền, ông Tập Cận Bình không thể không trở về với vấn đề cốt lõi của “mô hình Trung Quốc”. Đó là muốn tăng trưởng thì phải nới lỏng tín dụng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nợ sẽ tăng lên còn trong trường hợp muốn giảm nợ, tránh bong bóng nợ bị vỡ thì phải thắt chặt tín dụng, không được tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục