Thách thức và kỳ vọng đối với chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản

05:30' - 09/11/2021
BNEWS Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ bắt đầu triển khai chính sách kinh tế trong bối cảnh nhận được sự ủng hộ nhiều hơn mong đợi từ các cử tri.

Theo Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JRI), trong cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra ngày 31/10, đảng Dân chủ Tự do (LDP) bị sụt giảm số ghế giành được so với thời điểm trước khi Hạ viện giải tán (276 ghế). Tuy nhiên, việc LDP có được 261 ghế, vượt xa số ghế quá bán (233 ghế), đã đảm bảo cho đảng này có thể vận hành Quốc hội một cách ổn định.

Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ bắt đầu triển khai chính sách trong bối cảnh nhận được sự ủng hộ nhiều hơn mong đợi từ các cử tri. Có thể dự đoán Thủ tướng Kishida sẽ thúc đẩy các chính sách mạnh mẽ mang màu sắc riêng mà không chịu ảnh hưởng bởi những tiếng nói khác biệt trong nội bộ LDP.

Thủ tướng Kishida đã đề ra “chủ nghĩa tư bản mới”, “tuần hoàn giữa tăng trưởng và phân phối”, “kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập trong thời kỳ Lệnh Hòa”. Các nội dung cụ thể vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có lẽ trọng tâm sẽ là nâng mức tiền lương cơ bản và thu hẹp khoảng cách thu nhập. Các chính sách này không có sự khác biệt lớn so với chính sách kinh tế của các đảng đối lập đã nêu ra tại cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua.

Việc hoạch định chính sách kinh tế cần phân chia rõ giữa chính sách đối phó với dịch COVID-19 trong ngắn hạn và chính sách trong trung hạn. Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Nhật Bản là việc suy giảm năng lực tăng trưởng và tiềm năng của nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng thấp, suy giảm năng lực sản xuất của người lao động là nguyên nhân lớn nhất khiến tiền lương cơ bản không thể tăng lên. Một khi không giải quyết được vấn đề cốt lõi này, chính sách tăng lương cơ bản sẽ không phát huy hiệu quả một cách bền vững.

Trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng dài hạn của Nhật Bản vẫn còn mờ mịt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thận trọng với việc tăng lương - vốn là vấn đề gây áp lực lên hoạt động kinh doanh. Chính quyền của ông Kishida cho rằng, việc mở rộng các biện pháp ưu đãi về thuế doanh nghiệp có thể thúc đẩy tăng lương đối với các doanh nghiệp. Thực tế chính sách này đã được thực hiện từ thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe và hiệu quả đã không được như kỳ vọng.

Chính phủ Nhật Bản nên đặt ưu tiên lớn nhất đối với chính sách tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh môi trường kinh tế chưa được chuẩn bị đầy đủ, việc các doanh nghiệp bị buộc phải tăng lương sẽ làm ảnh hưởng đến đầu tư của họ do lợi nhuận sụt giảm, từ đó sẽ tổn hại tiềm năng kinh tế và làm cản trở kế hoạch tăng lương cho người lao động.

Ở khía cạnh khác, dịch COVID-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng trong ngắn hạn, và các gói biện pháp kinh tế bổ sung sẽ là cần thiết để đối phó với điều này. Khác với thời điểm suy thoái kinh tế thông thường khi thu nhập của người lao động và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều bị giảm sút, đặc thù của môi trường kinh tế trong đại dịch COVID-19 là không ít doanh nghiệp và người lao động có thu nhập tăng lên. 

Chính vì thế, cần thiết phải có chính sách tái phân phối từ những doanh nghiệp, người lao động hưởng thụ thu nhập cao, sang những doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch.

Chính sách tái phân phối chính là cơ sở để đảm bảo nguồn tài chính để đối phó với dịch COVID-19. Nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ phát hành trái phiếu chính phủ, sự bất bình đẳng có thể gia tăng ở thế hệ tương lai khi họ phải "gánh" các khoản nợ của thế hệ trước. Ngoài ra, nếu các khoản nợ tài chính của thế hệ tương lai tăng lên, kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn cũng giảm xuống khi nhu cầu sụt giảm và điều này sẽ cản trở kế hoạch đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng, tăng lương của các doanh nghiệp. 

Có lẽ Chính phủ Nhật Bản nên sớm thảo luận về biện pháp đảm bảo nguồn tài chính bằng cách tăng thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp ngắn hạn, trong đó có tính đến năng lực chi trả và tham khảo chế độ thuế đặc biệt về phục hồi.

Hiện tại việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh thông qua chính sách cung cấp khoản tiền hỗ trợ khi cửa hàng đóng cửa hoặc rút ngắn thời gian kinh doanh đã để lộ ra hạn chế là nhiều ngành nghề bị bỏ sót. Vậy, liệu chế độ hỗ trợ mới không giới hạn ngành nghề, khu vực mà chính quyền của ông Kishida đề cập có cần thiết hay không.

Về việc hỗ trợ đối với cá nhân, điều quan trọng là hỗ trợ đối với những người gặp khó khăn về thu nhập do COVID-19. Nếu áp dụng chính sách hỗ trợ tiền lương bổ sung, chính quyền của ông Kishida nên rút gọn đối tượng thụ hưởng và tiền hỗ trợ chỉ cung cấp cho những người thực sự cần thiết. 

Nếu xây dựng một chế độ hỗ trợ rộng lớn, giống như hỗ trợ đồng loạt trước đây, khả năng tiền hỗ trợ sẽ không thể đến đủ với những người cần hỗ trợ thực sự, đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường tài chính. Cần lưu ý rằng việc hỗ trợ đồng loạt cho người dân đã không làm giảm khoảng cách thu nhập vốn đã gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về một gói kích thích kinh tế bổ sung với trọng tâm là đối sách COVID-19 và điều chỉnh dự toán ngân sách bổ sung của năm 2021. Số tiền hơn 30.000 tỷ yen không được sử dụng vào năm 2020 và được chuyển vào ngân sách năm nay nên được xem xét lại một lần nữa và cần điều chỉnh giảm đối với những khoản không cần thiết.

Chính sách kinh tế trong trung hạn nên dành ưu tiên lớn nhất để tăng cường tốc độ tăng trưởng, tiềm năng kinh tế thông qua biện pháp là cải cách cơ cấu và chiến lược tăng trưởng. Trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này, có thể thấy các đảng đã không dành sự quan tâm đầy đủ cho cải cách cơ cấu, chiến lược tăng trưởng và chủ yếu là tập trung vào chính sách kinh tế thời kỳ COVID-19.

Việc nâng cao kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp bằng việc đưa ra chính sách cải cách cơ cấu đáng tin cậy và chiến lược tăng trưởng là quan trọng. Xét từ quan điểm này, có thể thấy việc tái cấu trúc chiến lược đổi mới và thúc đẩy chính sách dân số như nâng cao tỷ lệ sinh… có thể sẽ mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, việc thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm nâng cao hiệu suất kinh tế cũng rất quan trọng. Cơ quan kỹ thuật số mới được Chính phủ Nhật Bản thành lập vào tháng 10/2021, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy một cách tổng hợp hệ thống hành chính kỹ thuật số. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ thúc đẩy kỹ thuật số ở khu vực tư nhân cũng rất quan trọng khi hình thức làm việc từ xa ngày càng được coi trọng trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hiện nay. Ở điểm này, có thể đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng Kishida về kế hoạch “Quốc gia - thành phố - nông thôn kỹ thuật số” và coi trọng phổ cập mạng viễn thông 5G tại khu vực ngoại ô và các địa phương.

Trong bối cảnh người dân có tâm lý thận trọng đối với hình thức thanh toán tiền mặt vốn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đây sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hình thức thanh toán qua thẻ. 

Điều này sẽ góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế và mỗi cá nhân có thể làm quen với công cụ của một xã hội kỹ thuật số. Trong việc thúc đẩy thanh toán qua thẻ, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng cần thảo luận về việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số (CBDC). Thủ tướng Kishida cũng ủng hộ việc phát hành đồng yen kỹ thuật số.

Khi hình thức làm việc từ xa đã trở nên quen thuộc, Chính phủ Nhật Bản cũng có thể thúc đẩy chính sách giãn dân khỏi khu vực thủ đô Tokyo vốn có mật độ dân số quá đông. Mật độ dân số đông được cho là yếu tố làm giảm hiệu quả kinh tế của Tokyo. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sinh, làm trầm trọng hơn nữa vấn đề dân số của toàn Nhật Bản. 

Chính phủ Nhật Bản nên chủ động điều chỉnh mật độ dân số của Tokyo bằng cách tích cực chuyển các cơ quan ban ngành về địa phương. Dân số, doanh nghiệp được điều chỉnh về các địa phương sẽ làm gia tăng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông, đất đai ở địa phương và điều này có lẽ sẽ nâng cao hiệu suất kinh tế của Nhật Bản.

Có lẽ trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới, các chính đảng ở Nhật Bản sẽ tiếp tục tranh luận về chính sách tăng lương và phân phối thu nhập. Tuy nhiên, chính sách tăng lương một cách trực tiếp sẽ không phát huy tính năng mà chỉ làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế. Việc các doanh nghiệp tự mình xây dựng môi trường tăng lương được cho là “đường vòng”, song đây lại là “con đường gần nhất”.

Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản nên thúc đẩy mạnh mẽ tái cấu trúc để nâng cao kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, nâng cao hiệu suất kinh tế, thúc đẩy chiến lược tăng trưởng. Ngoài ra, việc gia tăng các khoản nợ của chính phủ sẽ làm mất đi động lực của thế hệ tương lai, làm giảm kỳ vọng tăng trưởng trong trung hạn. Do đó, chính sách tài khóa "khỏe mạnh" cũng cần được coi trọng trong chiến lược tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục