Thái Lan thông qua hợp đồng phát triển sân bay U-tapao trị giá hơn 9 tỷ USD

10:37' - 03/06/2020
BNEWS Nội các Thái Lan ngày 2/6 đã thông qua việc ký hợp đồng với liên doanh BBS để thực hiện dự án phát triển sân bay quốc tế U-tapao với giá trị 290 tỷ baht (hơn 9 tỷ USD).

Dự án này bao gồm việc xây dựng nhà ga hành khách thứ 3 tại sân bay quốc tế U-Tapao, cũng như phát triển những cơ sở khác như trung tâm hàng hóa vận chuyển đường không và trung tâm bảo trì hàng không.

Trước đó, cuộc họp của Ủy ban Chính sách Hành lang kinh tế Phía Đông do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì hồi cuối tháng 5/2020 đã nhất trí với bản dự thảo hợp đồng phát triển sân bay U-tapao do Hải quân Thái Lan quản lý.

Dự án Thành phố Sân bay miền Đông tại sân bay U-tapao là một trong 5 đại dự án nằm trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ Thái Lan tại Hành lang Kinh tế Phía Đông (EEC).

Theo kế hoạch, sau khi được Nội các thông qua, Hải quân Thái Lan sẽ ký hợp đồng 50 năm với liên doanh BBS để thực hiện dự án này trên một khu vực rộng hơn 10 ha. Ước tính, dự án sẽ tạo ra thu nhập cho chính phủ khoảng 305 tỷ baht từ tiền cho thuê đất và chia sẻ lợi nhuận cũng như 62 tỷ baht từ tiền thuế. Dự án cũng sẽ tạo ra 15.600 việc làm trong vòng 5 năm.

BBS là một liên doanh gồm công ty xây dựng STEC (Sino-Thai Engineering and Construction Public Company Limited), hãng hàng không Bangkok Airways và tập đoàn BTS (BTS Group Holdings Plc). Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek cho biết lễ ký hợp đồng đối tác công tư có thời hạn 50 năm nói trên sẽ diễn ra vào ngày 19/6.

Tổng thư ký Văn phòng EEC Kanit Sangsubhan mới đây cho biết dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023 cùng với tuyến đường sắt cao tốc nối ba sân bay lớn là Don Mueang, Suvarnabhumi và U-tapao. Hai tiểu ban đã được thành lập nhằm đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đại dự án này.

EEC, trải rộng trên 3 tỉnh Rayong, Chon Buri và Chachoengsao với 34 khu công nghiệp và 6.033 nhà máy, là một kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm tái cấu trúc và khôi phục nền kinh tế để đưa đất nước phát triển. Để thực hiện kế hoạch EEC, Thái Lan dự kiến chi khoảng 1.700 tỷ baht cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển cách ngành công nghiệp tiên tiến dọc theo vùng biển phía Đông.

Năm đại dự án của EEC có tổng giá trị 695 tỷ baht, trong đó có 2 dự án đã được ký hợp đồng năm 2019 là tuyến đường sắt cao tốc dài 220km nối ba sân bay lớn trị giá 225 tỷ baht và giai đoạn ba cảng biển Map Ta Phut trị giá 55,4 tỷ baht. Ba dự án chưa được ký hợp đồng là thành phố hàng không U-tapao có giá trị 290 tỷ baht; trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) trị giá 10,6 tỷ baht; và giai đoạn ba cảng biển Laem Chabang trị giá 114 tỷ baht.

Đầu năm nay, Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak đã yêu cầu Văn phòng EEC phải đẩy nhanh việc ký hợp đồng với các công ty tư nhân đối với 3 đại dự án còn lại. Ông Somkid nhấn mạnh tất cả 5 đại dự án này phải bắt đầu xây dựng trong năm 2020, đặc biệt là thành phố hàng không U-tapao và trung tâm MRO.

U-tapao là một sân bay lưỡng dụng do Hải quân Thái Lan quản lý, vừa phục vụ các chuyến bay dân sự lẫn máy bay quân sự. Trong thời gian trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, sân bay này là nơi đón nhiều du khách tới Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á này hy vọng sân bay U-Tapao sẽ có khả năng tiếp nhận tới 60 triệu lượt hành khách mỗi năm sau khi được mở rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục