Thái Nguyên kết nối liên thông văn bản quốc gia giữa 1.793 đơn vị

06:00' - 08/09/2020
BNEWS Thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Thái Nguyên đã kết nối liên thông văn bản của các đơn vị trong tỉnh và liên thông với Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và cải cách thủ tục hành chính, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã kết nối liên thông văn bản quốc gia giữa 1.793 đơn vị thực hiện liên thông văn bản trong tỉnh và liên thông với Chính phủ; đồng thời tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để sẵn sàng sử dụng trao đổi văn bản điện tử có tính pháp lý như văn bản giấy.

100% các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng, duy trì, vận hành và công khai thông tin đầy đủ theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và 100% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử...

Để đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, Thái Nguyên đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tất cả người dân, tổ chức có thể đăng ký, nhập thông tin tự động vào biểu mẫu trên Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh; 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước tỉnh Thái Nguyên bằng hệ thống cáp quang.

Ngoài ra, hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh kết nối tại 13 điểm cầu phục vụ các phiên họp, học tập, triển khai nghị quyết, văn bản Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, thị xã, góp phần rút ngắn từ 30 đến 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy...

Trong việc tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh đã chuẩn hóa hơn 1.800 thủ tục đã công công bố. Bộ thủ tục được chuẩn hóa này đồng bộ về cổng dịch vụ công của tỉnh để công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phân phối đến các phần mềm một cửa điện tử của các đơn vị để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Hiện Cổng dịch vụ công của tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc tích hợp với nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công Quốc gia và sẽ áp dụng việc thanh toán trực tuyến cho khoảng 500 dịch vụ công mức độ 4 đang triển khai tại tỉnh...

Đối với công tác cải cách hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đến thời điểm hiện tại, gần 1.500 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 262 thủ tục hành chính cấp huyện và 113 thủ tục hành chính cấp xã sau khi được tỉnh công bố đều được tích hợp, công khai lên cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, được các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức niêm yết, công khai đầy đủ tại bộ phận một cửa của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của đơn vị.

Hiện nay, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và 178 Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thái Nguyên đã thành lập bộ phận một cửa, kiện toàn cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận này. Tỉnh cũng chuẩn bị đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động ngay trong quý III/2020...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, việc triển khai các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ lớn, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư đồng bộ của các nguồn lực.

Thực tế hiện nay, quá trình này ở Thái Nguyên vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Điều kiện chi ngân sách phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính quyền điện tử còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác đang trong giai đoạn thực hiện nâng cấp; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra.

Hằng năm, tỉnh đều có phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính gửi về các bộ, ngành Trung ương theo quy định, song một số bộ, ngành không có ý kiến phản hồi về đề xuất của địa phương...

Do vậy, trong thời gian tới, để thực hiện nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả, Thái Nguyên đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ viễn thông công ích chi cho xây dựng phát triển chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên.

Các bộ, ngành công bố kịp thời thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính liên thông để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính cần bổ sung thêm các chức năng xóa thủ tục hành chính, nhận biết thủ tục hành chính của bộ, ngành thay đổi, hủy bỏ, phát sinh mới; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình của tỉnh vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung của cả nước../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục