Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công - Bài 2: Làm gì để thúc đẩy?

15:52' - 09/10/2019
BNEWS Mặc dù mang lại nhiều lợi ích xã hội và phù hợp với xu thế phát triển, nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Hạn chế của việc thanh toán không dùng tiền mặt là phải có tài khoản ngân hàng và phải có tiền trong tài khoản. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng, tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp cần phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN - Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do Ngân hàng Standard Chartered công bố tháng 5/2019, tỷ lệ người dân (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ATM khá thấp so với các nước trong khu vực.

Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam chỉ đạt 30,8%, trong khi tỷ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17% .

Kết quả trên cũng cho thấy, dù việc áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều cho người sử dụng. Song, thói quen sử dụng tiền mặt đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, hạn chế của việc thanh toán không dùng tiền mặt là phải có tài khoản ngân hàng, phải có tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, có đến 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Ngay ở Tp. Hồ Chí Minh các điểm giao dịch thanh toán không không tiền mặt ở các quận, huyện ngoại thành cũng rất thấp. Do vậy, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng phải tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như có giải pháp an toàn, bảo mật, nâng cao chất lượng dịch vụ trong thanh toán thẻ thì mới thu hút người dân tham gia.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt triển khai ở bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu là từ phía ngân hàng và bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân có thu nhập thấp và trung bình, nhiều người bệnh làm nông nghiệp hoặc sống tại khu vực miền núi, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và còn khá mơ hồ với khái niệm thẻ, tài khoản.

Đối với đối tác ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối phần mềm thanh toán với hệ thống chương trình của bệnh viện. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết sự cố nạp tiền, rút tiền và hoàn tiền vào thẻ chưa nhanh chóng, kịp thời, gây phản ứng ngược với mục tiêu đề ra.

Vì vậy, để thực hiện tốt việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, cần có sự phối hợp đặc biệt từ phía bệnh viện và ngân hàng. Phải có đội ngũ nhân viên hùng hậu của cả hai đối tác để tư vấn, giải thích và thuyết phục người bệnh thấy được lợi ích thiết thực từ việc không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí. Các ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi nhanh chóng nhất để bệnh nhân chuyển từ tiền mặt qua thẻ tại bệnh viện.

Để thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, đại diện Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông thành phố triển khai các phương thức truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng, công năng của việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh có chức năng thanh toán (tích hợp ATM). Từ đó, giúp người dân dần thay đổi quan niệm sử dụng tiền mặt khi đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện quy trình, bảo đảm nguồn lực triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đến khâu thanh toán cuối cùng qua thẻ khám chữa bệnh; đồng thời, mở rộng đối tượng thẻ khám, điều trị bệnh cho người bệnh nội trú có bảo hiểm y tế và không bảo hiểm y tế.

Ghi nhận ý kiến một số phụ huynh ở Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, một số phụ huynh cảm thấy khá bất tiện khi phải thực hiện chuyển khoản để đóng học phí cho con, do từ trước đến nay họ chưa từng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến hay mobile banking của ngân hàng.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hồ Chí Minh cho biết, các trường học trên địa bàn vẫn triển khai cả 2 hình thức thanh toán học phí qua ngân hàng và thu tiền trực tiếp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các ngân hàng triển khai nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: ủy thác thanh toán tự động, chuyển khoản qua internet banking, cổng thông tin học đường, ví điện tử… Phụ huynh học sinh có thể chủ động lựa chọn dịch vụ phù hợp chứ không ấn định phải theo bất cứ dịch vụ ngân hàng nào.

Tháng 9/2019 vừa qua, UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng đã giao các Sở liên quan hoàn thành việc thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục trước tháng 12/2019.

Để người dân dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, viện phí, tất cả các trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng, tố chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn về thanh toán qua tài khoản; lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động tại các trường học, bệnh viện.

Theo các chuyên gia tài chính, với nhiều lợi ích xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng hiện nay của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tuy nhiên, việc triển khai không nên triển khai nóng vội, gấp gáp mà cần có lộ trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như cần có thời gian để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc chuyển đổi sử dụng tiền mặt sang sử dụng thẻ ngân hàng. Điều này sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực do chính sách mang lại./.

Xem thêm:

>>Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công - Bài 1: Tiết giảm chi phí xã hội

>>Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tiêu chuẩn hoá thanh toán qua mã QR

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục