Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý kinh tế trên 385 tỷ đồng

16:03' - 24/12/2021
BNEWS Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng tập trung vào hai chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 385,21 tỷ đồng. 

Qua thanh tra đã tổng hợp, bổ sung mới 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu đồng/hành vi vi phạm trong quản lý kinh phí bảo trì chung cư vào nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. 

Cụ thể, Thanh tra Xây dựng đã ban hành 6 kết luận thanh tra trong quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, thanh tra hành chính và kết luận nội dung tố cáo. Các kết luận yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền 40,25 tỷ đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 602,5 triệu đồng.

Cùng đó, 18 kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, kết luận đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng; đồng thời, buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân - tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng.

Trong năm 2021, lực lượng Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 8 đoàn theo kế hoạch và đột xuất; trong đó có 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch của 2021 và 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; đồng thời, cử cán bộ tham gia 4 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập. 

Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tham gia ý kiến với Thanh tra Chính phủ về Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã triển khai tổ chức họp lấy ý kiến của 15 thanh tra sở xây dựng tại các tỉnh miền Bắc; tổng hợp và có Văn bản số 880 gửi Thanh tra Chính phủ về đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi); tập trung nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng (đã trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2021); tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 về việc tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư…

Về kế hoạch thanh tra năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị sẽ tổ chức 2 cuộc thanh tra hành chính về quản lý tài chính, phòng, chống tham nhũng và thực hiện các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Văn phòng Bộ và Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam.

Cùng đó, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư tại Ban Quản lý Dự án Thăng Long - Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).; đồng thời tổ chức 3 cuộc thanh tra về quản lý Nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang và Hậu Giang.

Để đạt hiệu quả tốt trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến sẽ làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố về việc thực hiện quyết định của Bộ Xây dựng về giải quyết khiếu nại về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991 (dự kiến từ 2-4 đoàn).

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giao Thanh tra Bộ tổng hợp những tồn tại của cơ chế, chính sách và pháp luật qua thực tiễn của hoạt động thanh tra về việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Từ đó, Bộ Xây dựng có căn cứ sát thực tế để xử lý triệt để các tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư.

Liên quan đến nội dung này, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, từ khi có Chỉ thị số 02, tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài tại các nhà chung cư giảm hẳn, chỉ còn khoảng 3 đơn thư/tháng. Trong khi đó, trước khi có chỉ thị này, trung bình Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp nhận tới 10 đơn thư mỗi tháng. Những tháng gần đây, tại các nhà chung cư trên toàn quốc đã không còn tình trạng căng băng rôn tại các tòa nhà, cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền để khiếu kiện hay phản đối chủ đầu tư...

Chỉ thị số 02/CT-BXD đã tạo được dư luận tốt, giúp lực lượng thanh tra và Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân; góp phần ổn định cuộc sống của người dân; đảm bảo an ninh, trật tự địa phương và mỹ quan đô thị.

Điểm nhấn trong kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào hai chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện và hướng dẫn thanh tra các Sở Xây dựng thực hiện để đánh giá tổng quát nhất báo cáo Bộ trưởng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách cần thiết cho phù hợp và sát thực tiễn.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đồng thời, thanh tra việc thực hiện dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành này.

Việc thanh tra những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm như quỹ bảo trì chung cư sẽ nhằm giải quyết tình trạng chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì và phần sở hữu chung của nhà chung cư - Chánh Thanh tra Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục