Tháo gỡ khó khăn cho 3 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng

19:42' - 10/05/2023
BNEWS Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.

Ngày 10/5, tại thành phố Hải Dương, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của các địa phương này đều thuộc top tăng trưởng nhất nước, cao hơn trung bình cả nước. Hải Phòng tăng 9,65% đứng thứ 9 cả nước và thứ 3 Đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh tăng 8,06% đứng thứ 12 cả nước về tốc độ tăng trưởng và thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ.

 

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của Hải Phòng, Quảng Ninh đều tăng so cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng của Quảng Ninh, Hải Dương tăng so cùng kỳ, Hải Phòng giảm 11,7% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của 3 địa phương đạt 1,06 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng số vốn Đồng bằng sông Hồng và chiếm 12% cả nước; trong đó, cấp mới 50 dự án đầu tư với số vốn gần 750 triệu USD và 25 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký thêm đạt 200,8 triệu USD.

Tuy tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của các tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai quy hoạch cấp tỉnh của Hải Phòng, Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 còn chậm, yếu.

Giải ngân vốn đầu tư thì chỉ có thành phố Hải Phòng đạt 38,28%, cao hơn bình quân chung cả nước (15,65%). Hải Dương và Quảng Ninh có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA.

Những khó khăn, vướng mắc của các địa phương chủ yếu ở các nhóm vấn đề thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường; trong đó có việc chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho các địa phương đã được Chính phủ phân bổ hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương để triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cùng đó, nguyên nhiên vật liệu tăng giá đột biến làm tăng chi phí đầu tư dự án, khan hiếm nguyên vật liệu nên ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.

Giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm do khó khăn trong việc xác định khu tái định cư, khung giá đất có sự thay đổi nên phải điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng phát sinh chi phí, tăng chi phí giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Giá đất Nhà nước thu hồi với giá thị trường chênh lệch nên người dân còn nhiều ý kiến và gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh còn nhiều nôi dung chưa thống nhất về thời hạn quy hoạch và các chỉ tiêu quy hoạch đất, dẫn đến vướng mắc trong triển khai dự án. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn do một số thị trường lớn thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số ngành gặp khó nguyên liệu đầu vào...

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lao động người nước ngoài sử dụng visa doanh nghiệp hoặc visa du lịch để làm việc tại Việt Nam; lao động đã được cấp giấy phép nhưng hợp đồng không đúng với các thông tin ghi trên giấy phép lao động. Hiện các tỉnh đang vướng trong triển khai dự án giao thông đường bộ kết nối hai tỉnh như: Cầu Kênh Vàng kết nối Hải Dương và Bắc Ninh, Cầu Hải Hưng kết nối Hải Dương và Hưng Yên…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, trong quá trình triển khai các dự án, Hải Dương gặp rất nhiều vướng mắc.

Hải Dương đề xuất Chính phủ quan tâm ưu tiên nguồn lực sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn nối Quốc lộ 18 đi qua khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc kết nối với Bắc Giang; đầu tư mở rộng cầu Bình để khắc phục việc xuống cấp, đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay.

Tỉnh Hải Dương đề nghị được hỗ trợ và tạo điều kiện mở rộng, nâng cấp nhà xưởng của Công ty TNHH Ford Việt Nam xem xét giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho số linh kiện nhập khẩu từ 1/10-31/12/2022 trong khi chờ nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2020/NĐ-CP; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn…

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quy chế hoạt động của Quỹ phát triển đất; đề nghị Chính phủ xem xét ủy quyền cho các địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, từ 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng phân cấp nhiều hơn cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện được giao khu vực biển cho các cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vùng biển thuộc tỉnh; có giải pháp để phát huy vai trò cửa ngõ xuất nhập hàng hóa, giảm tải cho các cửa khẩu biên giới đường bộ Việt Nam, Quảng Ninh.

Thành phố Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án, giải ngân được vốn đầu tư, hoàn thành Dự án tuyến đường ven biển; tháo gỡ khó khăn trong xây dựng thêm nhà ga Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng; bàn giao công trình của các bộ, ban ngành trung ương về Hải Phòng quản lý; cho phép Hải Phòng lập hồ sơ lập thêm khu kinh tế…

Ghi nhận ý kiến của từng địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, những thông tin này sẽ được tổng hợp cùng thông tin từ các đoàn công tác khác của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị 3 địa phương cụ thể hóa những vướng mắc, bất cập có liên quan đến những quy định cụ thể và cần sửa đổi ở điểm nào. Các bộ, ngành căn cứ vào ý kiến địa phương, tổng hợp và đề xuất sửa đổi các quy định.

Chính phủ sẽ xử lý từng bước sự chồng chéo trong quy định của pháp luật và theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, giao các bộ ngành xử lý từng việc, từng vấn đề và có thời gian cụ thể. Đối với việc chồng chéo trong các quy định liên quan đến vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh, cần có tổng hợp chung ở các địa phương để có giải pháp chung nhất cho những trường hợp tương tự.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì việc phối hợp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh có giải pháp tốt hơn để giải quyết việc cấp điện cho các nhà đầu tư. Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cũng đã trao đổi hướng giải quyết vướng mắc với các địa phương nêu liên quan tới từng lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại tỉnh Quảng Ninh để xem xét một số nội dung liên quan đến đầu tư phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư tại địa bàn và quản lý vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục