Thế giới chờ đợi thỏa thuận lịch sử về ứng phó đại dịch

06:30' - 28/05/2024
BNEWS Các quan chức y tế từ 194 quốc gia thành viên của WHO đang tìm cách kết thúc hơn hai năm đàm phán về những quy tắc mới để ứng phó với đại dịch trong WHA.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) diễn ra trong các ngày 27/5-1/6 tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom kỳ vọng cuối cùng các nước trên toàn cầu sẽ đạt được thỏa thuận về ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch sau khi không đạt được thỏa thuận vào tuần trước.

Các quan chức y tế từ 194 quốc gia thành viên của WHO đang tìm cách kết thúc hơn hai năm đàm phán về những quy tắc mới để ứng phó với đại dịch trong WHA. Tuy nhiên, giải thưởng lớn nhất, một thỏa thuận về đại dịch có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của thế giới chống lại những mầm bệnh trong tương lai sau khi COVID-19 khiến hàng triệu người tử vong - đã tỏ ra khó nắm bắt và các nhà đàm phán đã không thể đưa ra một dự thảo thỏa thuận hôm 24/5 để Hội đồng chính thức phê duyệt trong tuần này.

Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục để cập nhật những quy định y tế hiện hành về các đợt bùng phát và những nhà đàm phán nói rằng các bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận.

Hiện tại, các quốc gia vẫn chia rẽ về cách thức chia sẻ những mầm bệnh được phát hiện trong lãnh thổ của họ với các nhà nghiên cứu quốc tế và những quốc gia khác. Các quốc gia đang thảo luận về cách đảm bảo những nước có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận một cách công bằng các sản phẩm y tế quan trọng như vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm trong trường hợp đại dịch. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ các quốc gia trong việc phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với đại dịch cũng là một chủ đề quan trọng mà các nước đang tranh cãi.

Mặc dù các cuộc đàm phán tạm dừng, các quốc gia tham gia bày tỏ cam kết mạnh mẽ để đạt được một thỏa thuận toàn cầu về đại dịch. Mỹ, Ethiopia (Ê-ti-ô-pi-a), Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều khẳng định sự ủng hộ của họ cho tiến trình đàm phán.

 

Kết quả của WHA lần thứ 76 sẽ định hướng cho các bước tiếp theo trong việc thúc đẩy một Hiệp ước toàn cầu về đại dịch. Việc đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu và bảo vệ thế giới khỏi các mối đe dọa đại dịch trong tương lai.

Từ tháng 12/2021, sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, các quốc gia bắt đầu tìm kiếm một khuôn khổ ràng buộc về các cam kết nhằm ngăn chặn một thảm họa tương tự. Bản dự thảo mới tập trung vào việc thiết lập khuôn khổ cơ bản, đồng thời hoãn bàn các vấn đề chi tiết hóc búa hơn sang các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra vào năm 2026, đáng chú ý là cách thức vận hành Hệ thống chia sẻ lợi ích và quyền tiếp cận mầm bệnh (PABS) theo kế hoạch của WHO.

Ông Wiku Adisasmito - đại diện đoàn đàm phán Indonesia (In-đô-nê-xi-a) khẳng định, giữa các quốc gia có sự chênh lệch về năng lực, và nhấn mạnh các nước đang phát triển cần được hỗ trợ tài chính để tăng cường giám sát các mầm bệnh nguy hiểm mới nổi ở động vật và môi trường.

Cuối tháng Tư vừa qua, WHO kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với virus cúm gia cầm H5N1 hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

WHO trước đó đã phát hiện virus H5N1 với nồng độ rất cao trong sữa nguyên liệu hoặc sữa chưa thanh trùng từ những con bò mắc bệnh. Các chuyên gia đã rất ngạc nhiên về phát hiện này vì bò vốn không dễ mắc chủng cúm này.

Bà Maria Van Kerkhove - người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát chặt chẽ các loài động vật trên toàn cầu, bên cạnh công tác giám sát các loài chim và gia cầm đang được triển khai. Bà Van Kerkhove nêu rõ cần phải mở rộng tăng cường giám sát đối với các sản phẩm sữa để bảo vệ sức khỏe của người dân. Bà cũng lưu ý rằng phương pháp thanh trùng, bao gồm đun nóng sữa để diệt vi khuẩn, là biện pháp được khuyến khích và an toàn. Bà cho biết mặc dù việc phát hiện virus cúm gia cầm ở bò sữa không làm thay đổi cơ bản đánh giá rủi ro của WHO, song đây là điều đáng lo ngại.

Hiện tại không có bằng chứng virus H5N1 lây từ người sang người, nhưng các quan chức y tế quan ngại rằng nếu virus lây lan rộng sẽ biến đổi thành một dạng có thể lây truyền giữa người với người. Theo bà Van Kerkhove, chừng nào H5N1 còn tiếp tục lưu hành và kết hợp với các loài động vật, virus này vẫn có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và thậm chí có khả năng dẫn đến đại dịch.

Cũng trong tháng Tư, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Chính phủ Colombia (Cô-lôm-bi-a) đã ra quy định hạn chế nhập khẩu thịt bò và các sản phẩm thịt khác từ các bang nơi bò sữa có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm.

Trong một thông báo trên trang web Dịch vụ Kiểm tra và An toàn Thực phẩm của USDA, cơ quan này cho biết Colombia đã áp đặt các hạn chế tạm thời đối với các sản phẩm thịt bò sống. Ngay cả khi doanh nghiệp nhập khẩu có giấy phép hợp lệ, lô hàng vẫn có thể bị tịch thu và đem đi tiêu hủy.

Lệnh cấm của Colombia bao gồm các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ vật nuôi bị giết mổ ở các bang Idaho, Kansas, Michigan, New Mexico, North Carolina, Ohio, South Dakota và Texas.

Theo thông báo, các hạn chế được phía Colombia đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ yêu cầu gia súc lấy sữa được vận chuyển giữa các tiểu bang phải được xét nghiệm virus cúm gia cầm, trong bối cảnh một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 có độc lực cao đã lan rộng trong các đàn bò sữa tại Mỹ và một người ở bang Texas đã mắc bệnh thể nhẹ.

Tại khu vực châu Á, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc hôm 23/5 cho biết đã xác nhận trường hợp cúm gia cầm có độc lực cao đầu tiên sau hơn ba tháng tại một trang trại ở phía đông nam nước này.

Thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho biết, trường hợp mới nhất được báo cáo tại một trang trại nuôi khoảng 22.000 con vịt ở huyện Changnyeong thuộc tỉnh Gyeongsang Nam, cách thủ đô Seoul 264 km về phía đông nam.

Đây là trường hợp cúm gia cầm có độc lực cao đầu tiên ở Hàn Quốc kể từ ngày 8/2/2024, khi một trường hợp được báo cáo tại một trang trại vịt khác ở thành phố Asan, cách Seoul 90 km về phía nam.

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đã ban hành lệnh phong toả 24 giờ đối với khu vực này để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm kiểm soát việc ra vào trang trại cũng như tiêu hủy những gia cầm bị ảnh hưởng.

Cúm gia cầm độc lực cao rất dễ lây lan giữa các loài chim và có thể gây bệnh nặng, thậm chí tử vong, đặc biệt ở gia cầm nuôi trong nhà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục