Thế giới trong vòng vây của lạm phát đình trệ

06:30' - 10/06/2022
BNEWS Chỉ hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 dẫn đến cuộc suy thoái toàn cầu trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Lần này, nền kinh tế thế giới phải đối mặt đồng thời với tình trạng lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại. Ngay cả khi suy thoái toàn cầu được ngăn chặn, những tác động của tình trạng lạm phát đình trệ có thể kéo dài trong vài năm, với những hậu quả có thể gây mất ổn định đối với các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, trừ khi những nền kinh tế này có thể đạt được mức tăng nguồn cung lớn.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2022. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 7/6 phản ánh một sự tụt hạng khá lớn đối với triển vọng kinh tế, theo đó tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh trong năm nay, từ mức 5,7% trong năm 2021 xuống chỉ còn 2,9%.

Việc tăng giá năng lượng và lương thực, cùng với sự gián đoạn nguồn cung và thương mại do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra và quá trình bình thường hóa lãi suất hiện đang được tiến hành là những nguyên nhân dẫn đến việc hạ thấp triển vọng nền kinh tế toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một sự thụt lùi lớn về tăng trưởng thu nhập và giảm đói nghèo ở các nền kinh tế đang phát triển. Những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra những thách thức cho rất nhiều nước đang phát triển.

Những nước này dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3,4% trong năm 2022, bằng khoảng một nửa so với tỷ lệ năm 2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình từ năm 2011 đến năm 2019. Tương tự, dự báo tăng trưởng cho các nước thu nhập trung bình vào năm 2022 đã bị giảm mạnh, lên tới 1,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Giêng.

Thu nhập thực tế bình quân đầu người vào năm 2023 sẽ vẫn dưới mức trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra ở khoảng 40% các nền kinh tế đang phát triển. Đối với nhiều quốc gia, tình trạng suy thoái sẽ là điều khó tránh.

Khi nguồn cung khí đốt tự nhiên bị hạn chế, đặc biệt là để sử dụng trong sản xuất phân bón và điện ở các nước nghèo hơn, những thông báo về sự gia tăng sản lượng chính trên toàn thế giới sẽ là điều cần thiết để khôi phục tăng trưởng mà không bị lạm phát.

Nguy cơ lạm phát trên mức trung bình và tăng trưởng dưới trung bình sẽ còn tồn tại trong vài năm - một hiện tượng chưa từng thấy kể từ những năm 1970. Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2024, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại khoảng 2,7 điểm phần trăm - hơn gấp đôi so với con số từ năm 1976 đến năm 1979.

Tăng trưởng chậm lại có thể sẽ kéo dài trong suốt thập kỷ do đầu tư yếu ở hầu hết các  nơi trên thế giới. Với tình trạng lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia và nguồn cung dự kiến tăng chậm lại, có nguy cơ tốc độ tăng giá sẽ còn cao hơn so với các dự đoán hiện tại.

Hơn nữa, nợ công nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển hiện đang ở mức kỷ lục. Phần lớn trong số đó là do các chủ nợ tư nhân và việc lãi suất tăng đột ngột. Khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và đồng tiền mất giá, tình trạng nợ nần - trước đây chỉ giới hạn ở các nền kinh tế thu nhập thấp - đang lan sang các nước có thu nhập trung bình.

Từ bỏ chính sách điều tiết tiền tệ ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác cùng với sự gia tăng sau đó của chi phí đi vay toàn cầu là một thách thức to lớn khác đối với thế giới đang phát triển. Ngoài ra, trong hai năm tới, hầu hết các khoản hỗ trợ tài khóa được cung cấp trong năm 2020 để chống lại đại dịch sẽ không còn nữa mặc dù các mức nợ sẽ vẫn tăng.

Khi việc điều tiết chính sách được dỡ bỏ, điều quan trọng là giảm bất bình đẳng và tìm kiếm thu nhập cao hơn cho tất cả mọi người bằng cách sử dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ nhằm tăng cường chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp nhỏ và quá trình phân bổ vốn.

Nhưng điều kiện hiện tại cũng khác so với những năm 1970 ở một số khía cạnh quan trọng. Đồng USD, vốn cực kỳ yếu trong những năm 1970, hiện nay lại rất mạnh.

Giá dầu tăng gấp bốn lần trong những năm 1973-1974 và tăng gấp đôi trong giai đoạn 1979-1980. Ngày nay, trong điều kiện được điều chỉnh theo lạm phát, giá dầu chỉ bằng 2/3 so với mức của năm 1980. Bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính lớn nhìn chung hiện nay rất mạnh, nhưng gặp rủi ro trong những năm 1970.

Các nền kinh tế trên khắp thế giới cũng linh hoạt hơn so với những năm 1970, với ít sự cứng nhắc về cấu trúc liên quan đến tiền lương và thị trường lao động và các nhà hoạch định chính sách ngày nay đang ở vị thế tốt hơn để ngăn chặn các cơn lốc lạm phát đình trệ.

Các khuôn khổ chính sách tiền tệ đáng tin cậy hơn: các ngân hàng trung ương ở các nước tiên tiến và nhiều nền kinh tế đang phát triển đều hoạt động với nhiệm vụ ổn định giá cả rõ ràng.

Điều này, cùng với thực tế là công nghệ và vốn hiện có có khả năng tạo ra sự gia tăng lớn về nguồn cung, đã giúp neo những kỳ vọng lạm phát dài hạn. Giảm nguy cơ lạm phát đình trệ sẽ đòi hỏi các biện pháp có mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. 

Trong thời kỳ bất thường của một loạt các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra một cách chồng chéo, các nhà hoạch định chính sách ở khắp mọi nơi sẽ cần phải tập trung nỗ lực của mình vào 5 lĩnh vực chính:

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách hạn chế thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này sẽ đòi hỏi phải phối hợp đối phó với khủng hoảng, bao gồm cung cấp thực phẩm khẩn cấp, viện trợ y tế và tài chính cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá, đồng thời chia sẻ gánh nặng về nhà ở, hỗ trợ và có thể tái định cư những người tị nạn và những người phải di tản trong nước.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách phải đối phó với sự tăng vọt của giá dầu và lương thực. Điều cần thiết là phải tăng cường cung cấp các mặt hàng thực phẩm và năng lượng quan trọng. Thị trường đang hướng tới tương lai, vì vậy, ngay cả những thông báo về nguồn cung trong tương lai cũng sẽ giúp giảm giá và kỳ vọng lạm phát. Tất cả các quốc gia nên củng cố mạng lưới an sinh xã hội và tránh các hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu làm tăng giá.

Thứ ba, cần khẩn trương đẩy mạnh các nỗ lực xóa nợ. Tình trạng dễ bị tổn thương về nợ là rất nghiêm trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Khi khó khăn về nợ lan rộng đến các quốc gia có thu nhập trung bình, rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên nếu không có biện pháp cứu trợ nhanh chóng, toàn diện và đáng kể.

Thứ tư, các quan chức phải tăng cường các nỗ lực và chuẩn bị tiềm lực để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Mở rộng các nỗ lực tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp, bao gồm cả tiêm chủng ngừa COVID-19, phải là một ưu tiên cao trên toàn cầu.

Thứ năm, phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng carbon thấp. Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào lưới điện, các nguồn năng lượng sạch hơn và hiệu quả năng lượng cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách các quốc gia nên đề ra các khuôn khổ điều phối khí hậu thông minh, điều chỉnh cơ cấu khuyến khích và tăng cường các quy định sử dụng đất.

Khôi phục sự thịnh vượng lâu dài phụ thuộc vào việc phục hồi tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và một môi trường chính sách dựa trên quy tắc ổn định hơn. Có lý do chính đáng để kỳ vọng rằng, một khi cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt, các nỗ lực tái thiết nền kinh tế Ukraine và phục hồi tăng trưởng toàn cầu - bao gồm cả Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) - sẽ được tăng cường gấp đôi.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách phải giảm thiểu các mối đe dọa khác đối với sự phát triển trên toàn thế giới: giá lương thực và năng lượng tăng cao, áp lực lạm phát dai dẳng, nợ nần chồng chất ngày càng gia tăng, bất bình đẳng và bất ổn ngày càng tăng và vô số rủi ro bắt nguồn từ biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục