Thế kẹt của Iraq giữa căng thẳng Mỹ - Iran

06:30' - 21/01/2019
BNEWS Tổ chức tư vấn an ninh International Crisis Group (ICG) chuyên nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa chiến tranh, nhận định rằng Iraq có thể phải chịu gánh nặng nếu xung đột gia tăng giữa Iran và Mỹ.
Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức ICG đã phỏng vấn các quan chức trên khắp thế giới, trong đó có cả các quan chức Iran về một báo cáo phản ánh tình hình của Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). 
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và gia tăng sức ép về kinh tế nhằm cô lập Iran, mặc dù các nước châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. ICG dự báo Iran có khả năng tiếp tục tuân thủ thỏa thuận, tự cho rằng mình nắm giữ nền tảng đạo đức cao cả và chờ đợi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ, dù ông sẽ tái tranh cử vào năm 2020.
Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm này cho thấy những toan tính của Iran có thể thay đổi nếu lượng dầu xuất khẩu của nước này giảm xuống dưới 700.000 thùng/ngày so với 3,8 triệu thùng/ngày trong năm 2017, qua đó có thể dẫn đến  lạm phát phi mã và làm gia tăng những cuộc biểu tình trong nước.
Nếu Iran quyết định đáp trả Mỹ, Tehran có thể tìm ra một phương án hữu hiệu nhất là phát động cuộc chiến tranh "ủy nhiệm" ở khu vực Trung Đông, một con đường sẽ đủ để tránh được phản ứng mạnh mẽ của châu Âu.
Báo cáo dẫn lời một quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Iran cho rằng chiến trường khả dĩ nhất chính là Iraq, nơi có những tay súng Hồi giáo dòng Shiite quan hệ thân thiết với Tehran. Quan chức này nêu rõ: "Iraq là nơi chúng tôi có kinh nghiệm, có khả năng cần thiết để đánh Mỹ mà chưa đến mức dẫn tới một sự trả đũa trực tiếp".
Theo quan chức này, Iran cũng can thiệp sâu vào Syria và Liban, song hai nước này đặc biệt mong manh và Tehran có thể đánh mất những thành quả của mình. Iran có những khí tài hạn chế tại Afghanistan, đồng thời tăng cường hậu thuẫn các phiến quân nổi dậy Huthi tại Yemen, điều sẽ gây phương hại cho Saudi Arabia hơn so với Mỹ.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã đề xuất các phương án quân sự để tấn công Iran sau khi một nhóm liên quan đến Iran phát động một cuộc tấn công bằng đạn cối hồi tháng 9/2018 tại "Vùng Xanh" của Baghdad, khu vực đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt. 
Phía Mỹ cho biết Đại sứ quán nước này là một mục tiêu. Không có ai bị thương và những người biểu tình cũng xông vào Lãnh sự quán Iran tại Basra trong một làn sóng phản đối các điều kiện kinh tế tại Iraq.
Trước đó, trạng mạng politico.com đưa tin, ngay khi Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố vòng trừng phạt nhằm vào Iran hôm 7/8/2018, Thủ tướng Iraq Haider al Abadi đã nói rằng đất nước ông sẽ tuân thủ một cách miễn cưỡng. 
Tuy nhiên, một tuần sau, thực tế lại “rõ như ban ngày” khi nhiều quan chức Iraq kêu gọi Baghdad duy trì quan hệ thương mại với Tehran, do Iraq phụ thuộc mọi thứ vào quốc gia láng giềng phương Đông này, từ khí đốt đến điện, nước và lương thực, thực phẩm. 
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dù được coi là thân Mỹ hơn so với người tiền nhiệm, nhưng cũng khó có thể chấp nhận tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, Iran lại có lợi thế của đòn bẩy chính trị đối với Iraq. 
Sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, giới tinh hoa chính trị Iraq đã không thể thành lập chính phủ một phần vì sức ép lớn từ Tehran khi muốn đưa vào chính quyền Iraq những nhân vật chính trị theo mong muốn của họ. Nếu những nhân vật trung thành với Iran thành công và nắm vai trò chủ đạo trong chính phủ mới ở Iraq thì giới cầm quyền Iraq chắc chắn sẽ đưa ra các quyết định ủng hộ lợi ích của Iran. 
Tuy vậy, theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ vào Iran ảnh hưởng rất lớn đối với Iraq trên các cấp độ chính trị và kinh tế, an ninh, đòi hỏi Iran cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ biện pháp nào nhằm cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Iran. 
Trong khi chính phủ của Thủ tướng al-Abadi còn đang khó xử thì lực lượng đối lập và các đảng phái dòng Shiite khẳng định đứng về phía Tehran, lên án lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Tehran và yêu cầu Chính phủ Iraq ủng hộ Iran. Lực lượng này còn tuyên bố sẽ ủng hộ và trung thành tuyệt đối với Iran trong cuộc chiến với Mỹ.
Như vậy, Iraq lại tự thấy mình bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài cũng như đang mắc kẹt giữa Mỹ và Iran và có thể trở thành chiến trường của Mỹ và Iran trong trường hợp căng thẳng giữa hai nước này gia tăng trong thời gian tới.
TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục