Thị trường ảm đạm, người trồng đào Sơn La lo lắng

11:50' - 17/01/2022
BNEWS Những năm gần đây nhiều hộ dân ở huyện Vân Hồ (Sơn La) đã chuyển diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng đào với hy vọng mỗi dịp Tết đến, Xuân về sẽ có khoản thu nhập cao từ bán cành đào.

Tuy nhiên năm nay, do chất lượng đào không đẹp như các năm trước, cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thương lái và khách du lịch chưa đến mua nhiều khiến người dân băn khoăn, lo lắng.

 

Hiện nay, diện tích trồng cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 5.000ha, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn trồng trên nương, đồi và vườn nhà.

Riêng huyện Vân Hồ có khoảng 1.000ha đất trồng cây đào; trong đó, có hơn 500ha đào bán vào dịp Tết Nguyên đán. Cành và cây đào trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Gia đình chị Sồng Thị Nhừ ở bản Co Chàm, xã Lóng Luông từ nhiều năm nay đã gắn bó với việc trồng đào để bán trong dịp Tết. Hiện tại vườn đào của gia đình chị có hơn 1.000 cây, ngay cạnh Quốc lộ 6. Theo chị Nhừ mọi năm vào thời điểm này vườn đào nhà chị đã tấp nập người, nhưng năm nay vẫn chưa có ai đến mua.

Chị Sồng Thị Nhừ bộc bạch, những năm trước thì vào thời điểm này đào của gia đình đã bán được nhiều rồi, nhưng năm nay đào ra hoa sớm, không đúng dịp, kể cả không bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng không bán được nhiều.

Chi Nhừ hy vọng, sang năm thời tiết thuận lợi và chị cũng sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để đào ra hoa nhiều, đẹp, đúng dịp, như vậy đào mới bán được nhiều, giá bán cũng cao hơn.

Hầu hết các hộ dân trông đào trên địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đều là người dân tộc Mông. Đối với họ, việc trồng đào phục vụ Tết hiệu quả hơn nhiều so với trồng ngô, trồng sắn như trước kia. Hơn nữa, việc trồng đào tốn ít công sức, không phải chăm sóc nhiều, hàng năm nếu thuận lợi sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Mùa A Xý, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, chia sẻ, năm nay gia đình anh có khoảng 300 cây đào, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, anh cũng đang cắt bán cho thương lái và khách du lịch từ các tỉnh dưới xuôi. Nhưng năm nay hoa nở không đều nên không bán được nhiều, giá cũng thấp hơn so với năm trước.

Tại các điểm tập kết đào phục vụ Tết dọc Quốc lộ 6 qua địa bàn các xã Lóng Luông và Vân Hồ năm nay vắng khách mua đào do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải hạn chế đi lại.

Thời điểm này chỉ có vài nhóm thương lái từ các tỉnh miền xuôi lên để thu mua, tuy nhiên do đào chất lượng kém vì đã nở sớm nên các thương lái cũng chưa muốn thu mua nhiều.

Anh Lê Đức Hà, thương lái từ tỉnh Thanh Hóa, cho hay: Anh Hà lên Sơn La thu mua đào về bán được hơn mười năm, chất lượng đào năm nay không bằng mọi năm nhưng giá bán vẫn đang ở mức cao.

“Tôi lấy đào về bán phục vụ bà con nhân dân chơi vào dịp Tết, nhưng với giá cao như thế này thì không biết bà con trong tỉnh có mua được hay không”, anh Lê Đức Hà băn khoăn.

Diện tích đất trồng đào để bán vào dịp Tết trên địa bàn huyện Vân Hồ tập trung tại các xã Lóng Luông và Vân Hồ với khoảng 500ha. Trước kia việc trồng đào ở đây chủ yếu là để lấy quả. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu chơi đào Tết của khách dưới xuôi lớn nên người dân đã mở rộng diện tích trồng, thậm chí đã tập trung chăm sóc, tạo thế, tạo dáng cho cây đào.

Hàng năm chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện Văn hóa, quảng bá giới thiệu hình ảnh hoa đào Vân Hồ, qua đó giúp người dân trên địa bàn huyện tiêu thụ đào tốt hơn, nhưng năm nay sẽ ngưng trệ vì gặp thời tiết bất lợi và nhất là chịu sự tác động của dịch COVID-19 khiến sức mua giảm.

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết, cây đào là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân trên địa bàn huyện, khí hậu ở Vân Hồ rất phù hợp với cây đào, đặc biệt là cây đào bản địa hay còn gọi là đào mèo.

Trong những năm qua huyện luôn tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ khôi phục, nhân giống cây đào, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhân dân để họ yên tâm khai thác, kinh doanh đào nhất là vào dịp Tết, qua đó giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Với người trồng đào ở Vân Hồ dịp Tết Nguyên đán được xem là vụ thu hoạch chính cho cả một năm. Trên thực tế, những năm trước khi không bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì vào mỗi dịp Tết cổ truyền nhiều hộ dân có khoản thu từ 100 triệu đến 300 triệu đồng từ việc bán cành, cây đào. Tuy nhiên năm nay người dân trồng đào đang lo mất Tết do không bán được đào hoặc có bán cũng với giá thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục