Thị trường bán lẻ TP. HCM hấp dẫn nhà đầu tư bất chấp dịch COVID-19

12:13' - 03/06/2021
BNEWS Với dân cư đông và cơ cấu dân số trẻ, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, Tp. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ.

Sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ trong thời đại mới, hay những thay đổi trong hành vi của người tiêu trong thời gian vừa qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, với dân cư đông và cơ cấu dân số trẻ, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước.

*Hiện đại mô hình kinh doanh

Bước qua tháng 5/2021, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam, nên Tp. Hồ Chí Minh cũng như những địa phương khác đã tăng cường kiểm tra giám sát nhằm ngăn chặn tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Một số dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh phải tạm đóng cửa hoặc điều chỉnh lại mô hình hoạt động đảm bảo thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Song song đó, thị trường thuơng mại điện tử với đa dạng hình thức mua bán trực tuyến, mua mang về... đã kịp thời được khuyến khích, cũng như thay thế để ổn định thị trường tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và hạn chế các thiệt hại cho đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Tính đến thời điểm này, Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì được mục tiêu kép, là phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng năm 2021 của Tp. Hồ Chí Minh đạt 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2021 đạt 89.970 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực thương nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh có doanh thu 5 tháng qua đạt 255.561 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Còn lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có doanh thu đạt 32.193 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý hơn, thị trường bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chào đón những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), với sự tham gia của những nhà đầu tư mới.

Hay nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực tăng cường chiếm lĩnh thị phần thông qua chiến lược mở mới điểm bán và phủ sóng thương hiệu vào khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Ghi nhận trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đã trở nên sôi động hơn khi không ít nhà bán lẻ, doanh nghiệp tích cực chiếm lĩnh thị trường và tăng thị phần trên đường đua tiếp cận khách hàng bằng nhiều chiếc lược, cũng nhu đa dạng mô hình kinh doanh hiện đại.

Theo đó, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ sức sản VISSAN đã chính thức khai trương điểm bán tại hai siêu thị Vinmart Thảo Điền và Vinmart Landmark.

Đây là hoạt động nhằm khẳng định uy tín thương hiệu VISSAN trong việc mở rộng và phủ sóng các kênh bán lẻ có mô hình kinh doanh hiện đại trên đường đua tiếp cận người tiêu dùng.

Còn Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng vừa mới đưa vào hoạt động hơn 16.000 m sàn siêu thị Co.opmart và trung tâm thương mại Thắng Lợi tại quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là trung tâm thương mại thuần Việt thứ 5 bên cạnh 4 trung tâm thương mại Sense City đang hoạt động của Saigon Co.op. Trung tâm thương mại Thắng Lợi nằm trên Đại lộ Trường Chinh – con đường sầm uất huyết mạch nối cửa ngõ Tây Bắc của Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, dự kiến đến năm 2025, Saigon Co.op sẽ mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán, đảm bảo phát triển mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Saigon Co.op cũng sẽ phát huy vai dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, Saigon Co.op tiếp tục đưa vào hoạt động mô hình trung tâm phân phối mới theo hướng hiện đại, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Saigon Co.op phấn đấu đạt doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4-5%/năm...

*Chuyển nhượng đại siêu thị

Cũng trong tháng 5/2021 vừa qua, đại siêu thị E-mart (Hàn Quốc) đã tiến hành nhượng quyền cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco).

Thống kê trong khoảng 6 năm tham gia thị trường Việt Nam, E-mart chỉ mở một đại siêu thị tại quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh và chưa phát triển thêm đại siêu thị nào khác.

Ngoài ra, E-mart cũng đã mua một địa điểm khác tại Tp. Hồ Chí Minh để mở thêm đại siêu thị nhưng dự án này đã bị trì hoãn.

Liên quan đến thương vụ này, đại diện Thaco cho hay, doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua lại E-mart tại Việt Nam và dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ chuyển nhượng trong tháng 6/2021. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát triển 11 đại siêu thị E-mart trên cả nước vào năm 2025.

Trước đó, E-mart Việt Nam cũng đã gửi thư ngỏ đến một số nhà cung cấp và thông báo đã hợp tác với Thaco để phát triển thương hiệu E-mart ở thị trường trong nước.

Việc hợp tác chiến lược giữa hai bên để tối ưu sử dụng thương hiệu E-mart và năng lực của Thaco, hướng đến mục tiêu mở rộng mô hình kinh doanh đại siêu thị này tại Việt Nam.

Ở góc độ chuyên gia, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam đánh giá, những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các đơn vị bán lẻ.

Thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh, nhưng đây cũng là một quy luật đào thải tự nhiên.

Tuy nhiên, tại Tp. Hồ Chí Minh, phân khúc bán lẻ thời điểm hiện tại vẫn đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận nhiều giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng ăn uống, thời trang và phụ kiện, điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

Dẫn chứng cụ thể, bà Từ Thị Hồng An chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn xem thị trường bán lẻ Việt Nam là một miền đất hứa cần được khai phá, vì chỉ một ngày trước khi thông tin về thương vụ của chủ đầu tư E-mart và Tập đoàn ô tô Trường Hải Thaco được đăng tải, “gã khổng lồ” Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đạt được thỏa thuận chi 400 triệu USD mua 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX – nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+).

Sau giao dịch này, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada (cũng thuộc sở hữu Alibaba)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục