Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá cao

15:02' - 06/07/2016
BNEWS Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn sôi động như vài năm trước đây, song vẫn được đánh giá là hấp dẫn xét trên toàn cục thế giới.
Toàn cảnh hội thảo "Chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA". Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)".

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn sôi động như vài năm trước đây, song vẫn được đánh giá là hấp dẫn xét trên toàn cục thế giới. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá cao về Việt Nam với dân số đông; trong đó, đa số là người tiêu dùng trẻ tuổi nên sức mua trên thị trường cũng được cải thiện…

Cả nước có gần 9.000 chợ các loại, 830 siêu thị, 150 trung tâm thương mại. Hoạt động bán lẻ chủ yếu dựa vào hai kênh phân phối lớn là các cơ sở truyền thống và hiện đại, trong đó loại hình bán lẻ hiện đại đã chiếm 25-30% tổng mức bán lẻ và vẫn đang có xu hướng gia tăng qua thời gian.

Đặc biệt, đến nay, thị trường bán lẻ có sự tham gia của cả giới đầu tư trong nước và nước ngoài; trong đó nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế, tiềm năng về vốn, công nghệ quản lý và trở thành đối thủ đáng gờm đối với doanh nghiệp nội địa.

Theo các chuyên gia, khi thực hiện cam kết theo TPP và EVFTA, các dòng thuế sẽ từng bước được xóa bỏ; trong đó, 65% số dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% ngay khi hai Hiệp định này có hiệu lực. Như vậy, nguồn cung sẽ rất đa dạng, dồi dào và thúc đẩy hoạt động bán lẻ tiếp tục gia tăng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, có lợi hơn đối với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho rằng, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ vươn lên, hội tụ điều kiện, tạo lập thương hiệu, nghiên cứu chiến lược kinh doanh và triển khai thực hiện một cách bài bản, hướng tới hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, các đơn vị sản xuất cũng cần nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa, với giá bán hợp lý để có thể trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp bán lẻ./.  

>>> Thị trường bán lẻ trước sức ép doanh nghiệp ngoại Bài 3: Sản xuất "bắt tay" với phân phối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục