Thị trường chứng khoán tuần từ 8 - 12/3: Những nhận định ngược chiều

13:39' - 06/03/2021
BNEWS Giới phân tích từ công ty chứng khoán có nhiều ý kiến trái chiều khi nhận định về diễn biến thị trường trong tuần giao dịch từ 8 -12/3.

Giới phân tích từ công ty chứng khoán có nhiều ý kiến trái chiều khi nhận định về diễn biến thị trường trong tuần giao dịch từ 8  -12/3. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới (từ 8 - 12/3), giới phân tích từ công ty chứng khoán có nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, trong khi có ý kiến cho rằng, dòng tiền vẫn ở lại và thị trường dần cân bằng để chuẩn bị cho xu thế tích cực thì ở chiều ngược lại cũng có ý kiến nhận định, dòng tiền đang có tín hiệu suy yếu và thị trường có thể sẽ cần điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu mới.

*Dòng tiền ở lại hay suy yếu?

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, kết thúc ngày giao dịch cuối tuần qua (5/3) với số điểm gần như đi ngang và cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giảm gần như không nhiều. Điều này cho thấy rằng, thị trường chứng khoán gần như đạt được vùng cân bằng để chuẩn bị vận động vào xu thế tích cực hơn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS nhận định, về kỹ thuật, VN-Index đã nhận được lực cầu hỗ trợ mạnh ở vùng 1.155 - 1.160 điểm trong phiên cuối tuần qua (5/3).  Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho nhiều tín hiệu tích cực về xu thế thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho thấy sự suy yếu của dòng tiền.

Công ty chứng khoán này cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ thử thách thành công ngưỡng 1.170 điểm trong đầu tuần tới, trước khi có thể xác nhận xu hướng tăng quay trở lại.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho biết, theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có suy giảm nhưng vẫn duy trì trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường. các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi. Trong trường hợp tích cực, cơ hội hướng lên thử thách vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm sẽ mở ra.

Đối với sàn Hà Nội, HNX - Index có diễn biến tích cực hơn. Chỉ số có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp, xu hướng phục hồi đang tiếp diễn. Chỉ số có thể sớm tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 263,8 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) phân tích, thị trường tăng điểm trong hai phiên đầu tuần qua để thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm một lần nữa. Nhưng nỗ lực của bên "mua lên" đã thất bại khi mà áp lực bán luôn thường trực ở vùng giá cao để khiến thị trường điều chỉnh sau đó.

Việc hệ thống của HOSE liên tục bị nghẽn lệnh trong tuần qua cũng khiến tương quan cung - cầu trong phiên không được thể hiện đầy đủ và việc mua bán khó khăn trong phiên chiều khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thị trường chưa thể bứt phá thành công.

Theo SHS, xu hướng ngắn hạn trong tuần sau là khó đoán hơn với việc thị trường có thể sẽ cần điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu mới.

Về diễn biến thị trường, thị trường tăng rất nhẹ trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch qua (từ 1 - 5/3), VN - Index tăng 0,22 điểm lên 1.168,69 điểm; HNX-Index tăng 10,58 điểm lên 259,8 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 18.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Về diễn biến nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm như GAS tăng 3,6% POW tăng 6,7%...

Tiếp theo là nhóm nguyên vật liệu với mức tăng 3% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như HPG 0,9%, HSG tăng 5,5%, VIS tăng 12,1%, NKG  14,7%...

Tiếp theo là nhóm dầu khí với mức tăng 2% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như BSR tăng 3,9%, PVD (7,9%), PVS (10,7%), OIL (28,2%)…

Ngành dịch vụ tiêu dùng tăng 1,3%, giá trị vốn hóa, với các trụ cột trong ngành như VJC tăng 1,3%, HVN tăng 2,3%, SCS tăng 4%...

Các ngành có mức tăng nhẹ như công nghiệp tăng 0,8% giá trị vốn hóa, ngân hàng tăng 0,5%. Ở chiều ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu như MSN giảm 1,2%, VNM giảm 1,7%, SAB giảm 5,4%...

Các nhóm ngành giảm nhẹ như tài chính giảm 1% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế giảm 0,4% và công nghệ thông tin giảm 0,3%.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này trong tuần qua bán ròng ở mức 82,7 triệu cổ phiếu trên toàn thị trường, tương ứng giá trị bán ròng là 3.082 tỷ đồng.

*Chứng khoán thế giới biến động mạnh

Chứng khoán thế giới trồi sụt thất thường trong tuần qua, mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng ổn định và số liệu việc làm trong tháng 2/2020 tốt hơn dự kiến.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, Phố Wall phục hồi mạnh mẽ, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, nền kinh tế số 1 thế giới đã tạo thêm 379.000 việc làm trong tháng 2/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 6,2%, một kết quả tốt hơn dự kiến.

Thêm vào đó, đà tăng ổn định của lợi suất trái phiếu Mỹ cũng hỗ trợ xu hướng đi lên của Phố Wall. Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 572,16 điểm lên 31.496,30 điểm, sau khi có lúc chạm mức 31.580,33 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 73,47 điểm lên 3.841,94 điểm.  Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 73,47 điểm lên 3.841,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 196,68 điểm  lên 12.920,15 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,82%, chỉ số S&P 500 tiến 2%, còn chỉ số Nasdaq lại giảm 2,06%, đánh dấu tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp.

Dữ liệu việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy việc phân phối vaccine ngừa dịch COVID-19 và gói kích thích tài chính mới của Mỹ đang tạo ra một cú hích cho nền kinh tế và có thể đẩy lạm phát lên cao do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế gây ra bởi khủng hoảng COVID-19.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 1 điểm cơ bản xuống 1,553% trong phiên cuối tuần, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng việc lạm phát tăng cao khi nền kinh tế phục hồi là không đáng quan ngại với sự trợ giúp từ gói kích thích tài khóa mới.

Tuy nhiên, ông Powell đã nói rằng, xu hướng bán tháo trên thị trường trái phiếu trong vài tuần qua đã thu hút sự chú ý của ông và Fed sẽ không ngồi yên và để các điều kiện của thị trường tài chính thắt chặt trên diện rộng.

Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 5/3. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,47%, hay 138,5 điểm, xuống 29.098,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,5 điểm, xuống 3.501,99 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,23%, hay 65,79 điểm, xuống 28.864,32 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,57%, hay 17,23 điểm, xuống 3.026,26 điểm. 

Việc các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai, tốc độ lây nhiễm chậm lại, các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các biện pháp kích thích mới sắp được tung ra đang thúc đẩy các nền kinh tế, nhưng các nhà đầu tư lo ngại hơn rằng các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, một động lực chính đưa đến đà phục hồi của các thị trường chứng khoán kéo dài một năm qua, sẽ dần được rút lại trước khả năng giá cả tăng mạnh./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục