Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 – Bài cuối: Đổi mới từ đào tạo

08:35' - 14/12/2018
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội và đây là thách thức cho tất cả các trường học trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội và đây là thách thức cho tất cả các trường học trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động. Đồng thời, việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp, trường học cần được chú trọng để kịp thời có những thay đổi trong đào tạo, nghiên cứu phù hợp với thực tế.

* Đào tạo cần đi trước

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều trường chưa đổi mới phương pháp dạy và học, chính những tồn tại, chậm đổi mới của phần lớn các cơ sở giáo dục đại học hiện nay dẫn đến việc chất lượng đào tạo chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao các trường đại học cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, Tp Hồ Chí Minh thực hành về sinh hoá. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường không chỉ đổi mới chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy cần được đổi mới mạnh mẽ. Theo ông Đỗ Văn Dũng, người thầy không phải giảng dạy nữa mà là người hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài, dự án mà doanh nghiệp đặt hàng.

Có như vậy, việc đào tạo mới bám sát được nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giải quyết được bài toán của doanh nghiệp. Công nghệ là yếu tố quyết định để đổi mới, vì vậy trường đại học cũng phải thể hiện vai trò của mình trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh trong cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên cần thay đổi quan điểm, tác phong lao động và thay đổi công việc. Đối với thế hệ trước đây, người lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công, nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là người lao động phải có sáng tạo, đổi mới gắn liền với sự phát triển của công nghệ.

Theo ông Trần Anh Tuấn, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho các ngành nghề sẽ chuyển đổi, phát triển, người lao động phải thích ứng được điều đó. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực; trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, nhiều trường đại học đã chuyển mình khởi động đào tạo theo mô hình 4.0. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc gia đang xây dựng và phát triển chương trình của các ngành đào tạo hướng đến giáo dục 4.0 trên nền CDIO hiện đại. Trong năm 2018, Đại học Quốc gia đã triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo theo mô hình giáo dục 4.0, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 30 trong tổng số 102 ngành đào tạo trình độ đại học được triển khai theo mô hình này.

Với mô hình này của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo sẽ được đổi mới, được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và phát triển phẩm chất cá nhân của sinh viên. Chuẩn đầu ra được xây dựng toàn diện, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được sắp xếp hợp lý hóa. Hệ thống bài giảng điện tử; đội ngũ giảng viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm.

Không chỉ là chuyển đổi ngành nghề, các chuyên gia cho rằng để nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0, trường học cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm cần thiết để có thể thích ứng với thị trường lao động.

*Bắt tay để đổi mới

Công ty TNHH MTEX Việt Nam đầu tư vào Việt Nam năm 1997 với nhà máy sản xuất trục cho bơm trợ lực tay lái dùng cho ô tô cung cấp cho các hãng Toyota, Nissan… và sau đó là nhà máy sản xuất (công đoạn lắp ráp) IC bán dẫn.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào công đoạn thiết kế IC thì công ty này gặp khó khăn về nhân lực. Vào thời điểm năm 2004, khi khảo sát đầu tư vào Việt Nam thì lúc đó các trường đại học tại Việt Nam kể cả Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh chưa có khoa đào tạo thiết kế vi mạch. “Cái khó ló cái khôn”, lúc này doanh nghiệp đã “bắt tay” với các trường để mở khoa chuyên ngành.

Xưởng thực hành cơ điện tử và robot tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý Công ty MTEX Việt Nam cho biết, sau khi có sự hợp tác gắn bó giữa doanh nghiệp và nhà trường mở những khoa, những khóa đào tạo thiết kế IC một cách cơ bản theo nhu cầu, sau đó doanh nghiệp tuyển dụng và tiếp tục đào tạo. Đến nay, doanh nghiệp đó đã phát triển với trên 850 kỹ sư và là một trung tâm thiết kế IC quan trọng của Tập đoàn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp cơ khí điện Tp. Hồ Chí Minh nhận định, trong các ngành công nghiệp, sản xuất nói chung, đặc biệt là ngành chế tạo máy, cơ khí điện, đổi mới trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề sống còn với doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ theo nhiều phương thức, tuy nhiên rất cần sự bắt tay của các trường trong đào tạo nhân lực cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Thực tế, giữa đào tạo và nhu cầu lao động hiện nay vẫn còn khoảng cách lớn.

“Doanh nghiệp mong các trường, viện coi doanh nghiệp trước hết là đối tượng nghiên cứu, là khách hàng và là đối tác đồng hành cùng vì mục tiêu chung đổi mới sáng tạo”, ông Kiều Huỳnh Sơn chia sẻ.

Để chủ động nguồn nhân lực ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh – SHTP) triển khai các dự án về tự động hóa quá trình sản xuất; trong đó có ứng dụng robot. Hiện SHTP cũng đã hợp tác đào tạo cũng như kết nối với đối tác nước ngoài từ Hoa Kỳ, Nhật Bản… để đầu tư trang thiết bị hiện đại cho đào tạo nhân lực chất lượng cao trong Khu.

Đánh giá về kết quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tại thành phố trong thời gian qua, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải một số khó khăn.

Thực tế, các cơ chế chính sách chưa đề cập đến sự hỗ trợ của nhà nước đối với mối quan hệ giữa đại học và doanh nghiệp, như chính sách về tài chính, thuế. Phía đại học chưa coi việc hợp tác với doanh nghiệp là mục tiêu chiến lược của mình. Ngược lại cũng không ít doanh nghiệp thiếu tin tưởng vào trường học.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp cần được thúc đẩy thông qua vai trò kết nối của Nhà nước, từ việc hỗ trợ, có các chính sách ưu đãi cho đến chia sẻ rủi ro… Mặt khác, các trường cũng cần chủ động chuẩn bị nguồn lực để thực hiện hợp tác với doanh nghiệp trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy hợp tác, liên kết với trường học nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ - yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng 4.0./.

Xem thêm:

>>Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 1: Chuyển mình với công nghệ

>>Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 – Bài 2: Nỗi lo về nguồn nhân lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục