Thống nhất cơ chế, chính sách chung phát triển thương mại biên giới

15:53' - 05/10/2022
BNEWS Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động điều phối với phía Trung Quốc thống nhất về cơ chế, chính sách chung để phát triển hoạt động thương mại biên giới.

Ngày 5/10, Đoàn công tác liên ngành Bộ Công Thương đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thương mại biên giới và hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

 

Ông Nông Văn Khương, Giám đốc Sở Công thương Cao Bằng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt 423,060 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hàng nông sản khô hạt điều, hạt tiêu, thạch đen, hoa hồi, quế, long nhãn, xoài sấy và một số hàng kim loại. Mặt hàng nhập khẩu gồm ô tô nguyên chiếc, than, các sản phẩm về gỗ, thiết bị máy móc, vải các loại...

Tỉnh Cao Bằng đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác quản lý thương mại biên giới, thường xuyên trao đổi thông tin và chủ động giải quyết các vướng mắc phát sinh với Trung Quốc để đảm bảo điều tiết hợp lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, hỗ trợ thương nhân thương mại Việt Nam - Trung Quốc; xúc tiến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; phát triển hoạt động của khu, điểm chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc; quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc; chia sẻ thông tin; hội đàm, trao đổi với chính quyền địa phương Trung Quốc…

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hoạt động thương mại cửa khẩu tại tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn như: từ đầu năm 2020 đến nay, theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam và Trung Quốc, các cửa khẩu phụ, lối mở Lý Vạn, Hạ Lang, Pò Peo, Nà Lạn… vẫn tạm dừng hoạt động.

Môi trường kinh doanh tại các cửa khẩu chưa thuận lợi do xa trung tâm kinh tế lớn của vùng và cả nước; hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, hạ tầng cơ sở kỹ thuật tại các cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, do đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến hoạt động.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác đầu tư phát triển thương mại giữa Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) còn hạn chế…

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động điều phối với phía Trung Quốc thống nhất về cơ chế, chính sách chung để phát triển hoạt động thương mại biên giới. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam qua cửa khẩu biên giới Cao Bằng.

Cùng đó, thường xuyên thông tin tới các địa phương liên quan, nhất là các vùng trồng, sản xuất, địa phương biên giới về quy định, chính sách mới trong vùng quản lý biên giới, cửa khẩu, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc… để chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Phạm Như Phương - Trưởng Phòng Thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đã ghi nhận những khó khăn của tỉnh Cao Bằng để báo cáo tình hình với Bộ Công Thương và các bộ, ngành xem xét, đề xuất các giải pháp cụ thể.

Theo đó, có việc tổ chức Hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất các giải pháp đẩy mạnh hoạt động giao thương biên giới. Từ đó, giúp Cao Bằng tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách thông thương giữa hai bên, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục