Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế: Cần tiếp tục hoàn thiện phù hợp thực tiễn

16:59' - 22/03/2021
BNEWS Dự thảo quy định nhiều nội dung: đồng tiền khai, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; khai, tính thuế và phân bổ nghĩa vụ thuế; xử lý bù trừ số thuế nộp thừa....

Ngày 22/3 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế". Sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo đại biện các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp.

 

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục thuế khái quát một số nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế.

Theo đó, bao gồm 1 số nội dung quan trọng như đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; khai thuế, tính thuế và phân bổ nghĩa vụ thuế; việc xử lý bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hoàn thuế nộp thừa; hoàn thuế theo pháp luật về thuế hay xác nhận nghĩa vụ thuế... Tinh thần xây dựng pháp luật là không được quá nhiều văn bản, quá phức tạp và chồng lấn. Chỉ quy định những phần nằm trong thẩm quyền được Chính phủ giao phó. 

Cụ thể nội dung dự thảo, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho hay, điểm mới đầu tiên của Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế là đồng tiền nộp thuế được phép sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi (không chỉ là đồng đô la Mỹ như hiện nay) và thống nhất cùng đồng tiền khai và nộp để không phát sinh chênh lệch tỷ giá.

Các trường hợp được khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ mới bổ sung bao gồm phí, lệ phí và các khoản thu khác do cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thu hoặc cơ quan tổ chức được phép thu bằng ngoại tệ the quy định; đồng thời áp dụng với các nhà cung cấp nước ngoài đối với hoạt động thương mại điện tử.

Người nộp thuế khai thuế và nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, thực hiện hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính bằng đồng Việt Nam thì quyết toán thuế theo đồng Việt Nam hoặc thực hiện hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính bằng ngoại tệ theo chấp thuận của Bộ Tài chính.

Tỷ giá quy đổi để quyết toán thuế hoặc hạch toán kế toán là tỷ giá mua vào của ngân hàng nơi thực hiện giao dịch nộp thuế hoặc nơi thực hiện giao dịch. Trường hợp ngân hàng nơi giao dịch không công bố tỷ giá thì tỷ giá quy đổi là tỷ giá mua vào của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố. 

Việc khai thuế, phân bổ đối với thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp hay đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán...cũng quy định nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, quan điểm là chủ yếu tập trung vào các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp lớn có hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương hay thuộc một số lĩnh vực, loại hình hoạt động cụ thể hoặc đặc thù.   

Cùng với nhiều nội dung khác, vấn đề liên quan tới việc xử lý bù trừ khoản nộp thừa cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm.

Theo đó, dự thảo  hướng dẫn trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì sẽ được bù trừ vào số tiền còn nợ; không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trực trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.

Hoặc người nộp thuế được từ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo. Hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Thủ tục để bù trực các khoản nộp thừa sẽ được thực hiện theo nguyên tắc xử lý bù trừ liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và hệ thống kế toán thuế của cơ quan thuế, không ảnh hưởng tới báo cáo thu Ngân sách Nhà nước để thống nhất với Kho bạc Nhà nước. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, nhiều nội dung liên quan tới những bất cập mà người nộp thuế đang gặp vướng mắc chưa được đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế, như doanh nghiệp không đủ lãi thu theo cam kết và bị phạt thuế thì xử lý ra sao; việc khai tạm để tính thuế hiện đang phải nộp đủ 100% là bất hợp lý hay việc phân bổ làm 4 quý để tạm nộp 75% số thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất có đúng không, được hướng dẫn xử lý như thế nào.

Ngoài ra, bà Cúc cho biết, dự thảo hướng dẫn về các quy định khai tính thuế, quyết toán thuế phân bổ thuế giá trị gia tăng đối với đơn vị phụ thuộc địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là chưa rõ ràng. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), một trong những vấn đề gay go hiện nay là việc các văn bản pháp luật nằm rải rác ở nhiều nơi. Tình trạng một luật sửa nhiều luật cũng đang diễn ra khá phổ biến, dù về mặt luật pháp thì việc này là giải pháp ứng phó nhanh, giúp cho việc điều chỉnh luật pháp được kịp thời, tránh tiến trình tuần tự, mất nhiều thời gian theo dõi và xử lý.

Tuy nhiên, để có thể hệ thống hóa lại các văn bản pháp luật cũng là 1 thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp; đặc biệt là để vận dụng và thực thi sao cho đúng chuẩn. Hy vọng, ngành thuế sẽ có những chương trình tập hợp lại hệ thống các văn bản pháp theo các chuyên đề, lĩnh vực hay theo các nội dung để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiện theo dõi và triển khai. 

Bà Hà Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có chung quan điểm rằng nhiều nội dung quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế tương đối khó tiếp cận, khó hiểu vì quá dài và nhiều nội dung. Do đó, kiến nghị cần lược tách ra làm 2 thông tư.

Theo đó là thông tư kê khai thuế riêng và 1 thông tư những vấn đề liên quan tới quản lý thuế, như thế sẽ thuận lợi cho người thực hiện. Ngoài ra, vấn đề nổi cộm nhất và cần phải được làm rõ theo dự thảo thông tư này là các khái niệm về danh từ kỹ thuật như địa điểm kinh doanh là một ví dụ....

Hay như quy định về chi phí dùng để phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp, cần phải được quy định rõ ràng hơn. Đó là tất cả chi phí phát sinh của doanh nghiệp hay chỉ là chi phí theo quy định của chính sách thuế? Tiêu chí phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau trong các trường hợp cũng là một vấn đề khó khăn cho đa số doanh nghiệp hiện nay.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật Quản lý thuế cần tiếp tục được nghiên cứu thêm để sửa đổi những vấn đề còn chưa hoàn thiện và chưa giải quyết thấu đáo những vướng mắc hiện thời của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục