Thu giữ trên 7 tấn thuốc bảo thực vật nhập lậu

20:21' - 24/08/2016
BNEWS Từ đầu năm đến nay các đơn vị đã phát hiện và thu giữ trên 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật họp báo kết quả bước đầu thực hiện năm cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 24/8 tại Hà Nội đã họp báo thông báo kết quả bước đầu thực hiện năm cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp và Chỉ thị số 3606/CT-BNN-BVTV ngày 9/5/2016 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu của.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ đầu năm đến nay các đơn vị đã phát hiện hơn 40 vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và thu giữ trên 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật thu giữ được với 25 loại bao gồm các nhóm: thuốc trừ sâu/nhện; thuốc trừ bệnh; thuốc kích thích sinh trưởng; thuốc trừ cỏ. Hầu hết các loại thuốc thu giữ được đều của Trung Quốc. Thuốc được buôn lậu chủ yếu qua các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.

Thu giữ trên 7 tấn thuốc bảo thực vật nhập lậu từ đầu năm đến nay. Ảnh: TTXVN

Theo ông Hoàng Trung, tất cả các vụ việc bị phát hiện không phát hiện đều nhỏ lẻ, không có đường dây buôn bán lớn nên đều bị xử phạt hành chính. Các loại thuốc nhập lậu bắt giữ được độc tính luôn cao hơn so với thuốc được lưu hành tại Việt Nam.

Sáng 24/8, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành tiêu hủy 5 tấn thuốc, còn 2 tấn sẽ tiếp tục tiêu hủy trong thời gian tới. Toàn bộ sản phẩm được xử lý trong lò xi măng theo đúng các tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là công nghệ tiến tiến tối ưu nhất trong xử lý các chất thải nguy hại. Nhiệt độ tiêu hủy lên đến 1.500 độ, hiệu xuất phá hủy gần như 100%, không phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp.

Theo ông Hoàng Trung, thời gian tới, Cục tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống bảo vệ thực vật, đề nghị các địa phương quyết liệt vào cuộc như đang làm hiện nay. Cục tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép cơ chế xử lý như hiện nay. Đó là Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp tiếp nhận sự việc và xin kinh phí tiêu hủy. Bởi, điều này tạo động lực tốt cho người dân, địa phương tích cực tham gia tố giác, phát hiện, bắt giữ việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu.

“Cục Bảo vệ thực vật đã thiết lập đường dây nóng. Khi cá nhân, đơn vị nào phát hiện, bắt giữ việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu có thể điện ngay đường dây nóng. Cục Bảo vệ thực vật sẽ đến tận nơi để tiếp nhận sự việc”, ông Hoàng Trung cho hay.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 nắm tình hình, điều tra, xác minh đường dây buôn lậu. Đồng thời thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra từ có kế hoạch sang đột xuất.

Theo ông Hoàng Trung, vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó phải đặt trọng tâm là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” để sản phẩm làm ra là sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Ông Hoàng Trung cũng cho biết, hiện nay Việt Nam có trên 400 đơn chất với hơn 1.173 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành. Cục đang rà soát lại các hoạt chất trong danh mục, những hoạt chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hiệu lực sinh học thấp, đặc biệt là khi sử dụng để lại dư lượng cao trên sản phẩm, dẫn đến nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Thực hiện rút ngắn danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, đặc biệt các loại thuốc sử dụng trên rau quả, chè.

Mục tiêu đến 1/8/2017, các loại thuốc thuộc nhóm 3,4 (theo phân cấp độ độc) sẽ ra khỏi danh mục, tương đương với gần 400 tên thương phẩm. Tiếp tục tiến tới chỉ cho phép 1 dạng hoạt chất chỉ sản xuất ra một loại thương phẩm. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập hội đồng khoa học để loại bỏ những hoạt chất này. Đến năm 2020 sẽ loại bỏ gần 1.000 tên thương phẩm ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.

Hiện có trên 4.000 tên thương phẩm được phép lưu hành nhưng theo đánh giá, khảo sát của Cục Bảo vệ thực vật trên thị trường chưa đến 2.000 sản phẩm.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, cả nước có trên 32.000 đại lý kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; trong đó trên 12.000 đại lý đã ký cam kết không buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng, cấm sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục