"Thủ phủ" gỗ Bình Dương cần khu công nghiệp chuyên ngành

15:02' - 17/05/2021
BNEWS Mặc dù các chỉ số về sự phát triển của ngành gỗ trong 5 năm qua tại Bình Dương đã tự chứng minh là ngành có sức đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế và rất có triển vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, để ngành gỗ tại Việt Nam phát triển theo hướng bền vững và có thể cạnh tranh được thị phần của Trung Quốc, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng vẫn cần có khu công nghiệp tập trung chuyên ngành và những chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía Chính phủ.
Theo ông Điền Quang Hiệp, tỉnh Bình Dương tuy nhiều doanh nghiệp gỗ nhưng xuất hiện rải rác, không tập trung, khó quản lý, nhiều doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp gỗ Việt. Hơn nữa, ngành đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.
Do đó, mong muốn của hiệp hội và các thành viên trong thời gian tới là Chính phủ cùng tỉnh Bình Dương nghiên cứu, quy hoạch một khu công nghiệp chuyên ngành dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350ha trở lên.

Nếu có khu công nghiệp chuyên ngành gỗ thì việc tập hợp, chuyên môn hóa trong sản xuất sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy sản xuất lớn với quy trình được liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi sản xuất, phát triển ngành công nghiệp gỗ hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ngoài việc giúp các doanh nghiệp gỗ tiết kiệm chi phí vận chuyển, giao thương còn giúp địa phương giảm tải được sức nặng trong vấn đề giao thông.

Hơn nữa, khi có  khu công nghiệp tập trung chuyên ngành gỗ, việc hình thành phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo đà xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gỗ Việt, trở thành lợi thế lớn về quảng bá thương hiệu gỗ Việt đến thế giới.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc cho rằng, khi thành lập 1 khu công nghiệp tập trung, khó khăn của các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh là sự dịch chuyển cơ sở đã được đầu tư nhiều tiền bạc vào khu công nghiệp tập trung.
Tuy nhiên, vấn đề sinh ra các giá trị bền vững, lâu dài lại được nhiều hơn là mất, chỉ cần Chính phủ, Nhà nước tạo ra các chính sách cụ thể, phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp thì từng địa phương sẽ có các kế hoạch phù hợp như dành ra quỹ đất, cân bằng bài toàn kinh tế để tạo tiền đề xây dựng lợi ích dài hạn.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, hiện nay, ngành gỗ là một trong những ngành thế mạnh của Bình Dương với giá trị gia tăng cao.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã có quy hoạch từ năm 2015 và đã được Chính phủ phê duyệt văn bản 173 ngày 28/1/2016 cho phép thành lập khu công nghiệp Tân Lâp 1 diện tích 200ha đề phục vụ cho ngành gỗ dựa theo đề xuất của các doanh nghiệp trong hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương.
Sau quá trình triển khai, các doanh nghiệp không có phương án đền bù cũng như không có đủ quỹ đất nên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương xin trả lại dự án và đề nghị sẽ chuyển đến một vị trí khác.

Tuy nhiên, Tập đoàn cao su Việt Nam sau khi nghiên cứu thấy đủ quỹ đất đã triển khai gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để lập một khu công nghiệp tập trung chuyên ngành về gỗ.

"Vì vậy, tới đây Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương sẽ họp bàn với Tập đoàn cao su Việt Nam nhanh chóng tiến độ hoàn thành một khu công nghiêp chuyên ngành về gỗ của tỉnh trong thời gian tới", ông Bùi Minh Trí khẳng định.
Dịch COVID-19 là một điều đáng buồn cho nền kinh tế nói chung nhưng cũng là 1 cơ hội trăm năm có một để ngành gỗ Việt được thể hiện mình.

Tính riêng trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ  của Việt Nam đạt 3,788 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Định hướng đến năm 2025, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 20 tỷ USD.
Đến hết tháng 4/2021, Bình Dương đã xuất khẩu khoảng 2.313 tỷ đồng về gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đặc biệt, trong năm 2020, Bình Dương tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khi giá trị đạt 5,68 tỷ USD, chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ; trong đó 905 doanh nghiệp trong nước.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gỗ trong tỉnh hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài ra, gần đây ngành chế biến gỗ của tỉnh còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…
Ngay từ thời điểm cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp gỗ tại tỉnh Bình Dương đã đàm phán được những đơn hàng lớn, giá trị cao cho cả năm 2021.

Đơn cử, từ đầu năm Gỗ Đức Thành (Bình Dương) đã nhận được nhiều đơn hàng với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD.

Đơn vị này cũng đã đàm phán thành công hợp đồng đầu tiên, cung cấp các loại bàn ghế trẻ em cho một khách hàng lớn ở Mỹ, trị giá trên 300.000 USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục