Thử thách và cơ hội đối với Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025

06:30' - 08/12/2024
BNEWS Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cũng đã xác định ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.
Một góc Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 11/10/2024, Lào đã chuyển giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho Malaysia tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các hội nghị liên quan. Malaysia sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch vào ngày 1/1/2025 và lựa chọn chủ đề là “Tính bao trùm và bền vững”.

Bà Elina Noor, thành viên tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP) cho hay, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều bất ổn, Malaysia với vai trò Chủ tịch ASEAN cần nhận thức rõ các thách thức và cơ hội mà khối đang phải đối mặt, từ đó có biện pháp thúc đẩy, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN. Cụ thể:

Các nhà lãnh đạo khu vực trong năm 2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng tới một tương lai bền vững ở khu vực. Tuy nhiên, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cũng đã xác định ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, chủ đề “Tính bao trùm và bền vững” của Malaysia là lời nhắc nhở kịp thời để sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho một cộng đồng “hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

 

Một trong những lí do chính để Malaysia đưa ra chủ đề này là những tác động đến kinh tế, xã hội, chính trị từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch COVID-19 vừa qua và đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza hiện nay.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư chiến lược như mở rộng giao dịch đồng nội tệ xuyên biên giới, kết nối thanh toán khu vực nhằm đảm bảo khả năng phục hồi tài chính. Tháng 10/2024, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trở thành các quốc gia đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Bên cạnh đó, việc dự kiến nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc vào năm 2025 và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng nằm trong xu hướng chung của khu vực.

Liên quan đến các sáng kiến có thể được đưa ra trong chương trình nghị sự năm tới, Malaysia cần tập trung nâng cao vai trò trung tâm và quyền tự quyết của ASEAN thông qua việc kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác, phối hợp cùng nhau. Một số giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, ASEAN cần có biện pháp ứng phó với những tác động từ cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Các quốc gia thành viên cần chuẩn bị phương án ứng phó với nguy cơ biến động chính trị, kinh tế có thể xảy ra trên toàn cầu, bao gồm việc nỗ lực đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố các mối quan hệ đã thiết lập.

Đề xuất tổ chức cuộc họp ASEAN-GCC-Trung Quốc vào năm tới cũng nằm trong chiến lược tổng thể này. Ngoài ra, ASEAN cần tổ chức các cuộc thảo luận thực chất hơn về các chủ đề cùng quan tâm như ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Thứ hai, ASEAN cần nghiên cứu những tác động của công nghệ mới đối với khu vực. Hiện nay, khối này đang tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, công nghệ sẽ có tác động lớn đến cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu, dẫn đến nguy cơ gây bất ổn chuỗi giá trị, từ nguyên liệu thô cho đến các sản phẩm công nghệ.

Trong bối cảnh ASEAN là một khu vực quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một thị trường tiêu dùng đang phát triển, điều quan trọng là các quốc gia thành viên cần phải cân nhắc đến những tác động của công nghệ đối với an ninh quốc gia, thương mại, dịch vụ, năng lượng, hệ sinh thái và đảm bảo công bằng xã hội. ASEAN có thể nghiên cứu thành lập một diễn đàn riêng hay một hội đồng cố vấn riêng gồm lãnh đạo các chính phủ, các chuyên gia công nghệ nhằm giúp khu vực có chiến lược toàn diện để ứng phó kịp thời với những diễn biến khó lường của quá trình phát triển công nghệ trong thời gian tới.

Thứ ba, Malaysia đưa ra chủ đề “Tính bao trùm và bền vững” cho năm ASEAN 2025 bắt nguồn từ mối quan tâm hàng đầu của khu vực là đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng kỹ thuật số và cách mạng xanh. Theo đó, ASEAN cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc về tác động của công nghệ dựa trên các số liệu cụ thể nhằm đảm bảo công bằng xã hội, tính toán xây dựng cơ sở hạ tầng giúp nâng cao quyền tiếp cận của tất cả người dân, đảm bảo việc làm cho người lao động, đề cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, bảo vệ dữ liệu thông tin doanh nghiệp, cá nhân được số hóa mà không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội trong dài hạn.

Để giải quyết các vấn đề này, thay vì cách tiếp cận là phát triển kinh tế dựa trên công nghệ, ASEAN cần có cách tiếp cận liên chính phủ, liên ngành. Ví dụ, ASEAN cần xem xét ban hành các khuôn khổ dữ liệu chung nhằm bảo vệ quyền riêng tư của cộng đồng, nắm được tác động, phương án giải quyết những ảnh hưởng bất lợi của quá trình phát triển công nghệ hay làm rõ các tiêu chuẩn đạo đức khi ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo đó, Chính phủ Malaysia và các tổ chức có liên quan có thể tổ chức các cuộc họp để thảo luận về những vấn đề này. Kết quả cuộc họp có thể được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN. Ngoài ra, việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cùng các tổ chức xã hội ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Malaysia nói riêng vào quá trình nghiên cứu cũng sẽ giúp ASEAN tìm ra giải pháp hiệu quả hơn.

Cuối cùng, bà Elina Noor kết luận, vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia trong năm 2025 sẽ là cơ hội để nước này phát huy những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, để nâng cao vai trò trung tâm và quyền tự quyết của khu vực, Malaysia cần phải đưa ra được những đề xuất, chính sách và sáng kiến mới, khác biệt so với những quốc gia đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch trước đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục