Thu thập dữ liệu về di chứng kéo dài hậu COVID-19

10:43' - 13/08/2021
BNEWS Long COVID là căn bệnh mà những bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi song vẫn tiếp tục chịu các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh…

Ngày 12/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm mới nổi và hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ISARIC) thông báo sẽ tiến hành một dự án thu thập dữ liệu được tiêu chuẩn hoá về những người mắc di chứng kéo dài hậu COVID-19 (Long COVID) để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này.

Long COVID là căn bệnh mà những bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi song vẫn tiếp tục chịu các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh…

Trong một tuyên bố thông qua WHO, ISARIC cho biết "Long COVID" vẫn là một trong số những khía cạnh ít được biết đến hơn của đại dịch, là một cuộc khủng hoảng y tế đang trỗi dậy trên toàn cầu.

Theo ISARIC, mặc dù một bộ phận đáng kể người mắc COVID-19 sắp phải chịu các triệu chứng của "Long COVID", nhưng bằng chứng về căn bệnh này rất hạn chế, chỉ dựa trên một số nhỏ dữ liệu thống kê bệnh nhân được theo dõi ngắn hạn.

Do vậy, ISARIC cho rằng cần tối ưu hoá và tiêu chuẩn hoá việc thu thập dữ liệu lâm sàng và báo cáo cho các nghiên cứu (nhất là các cuộc thử nghiệm lâm sàng) và thực hành lâm sàng về căn bệnh này.

Tuyên bố cho biết các chuyên gia về hậu dịch COVID-19 sẽ tham gia chương trình nghiên cứu này cùng với WHO và ISARIC và dự án sẽ được bắt đầu bằng cuộc khảo sát những người đang sống với căn bệnh Long COVID.

Theo số liệu thống kê từ các nguồn chính thức mà hãng AFP tập hợp lại, gần 205 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới kể  từ khi dịch bệnh này bùng phát vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, con số thực sự, trong đó có những ca bệnh không được ghi nhận, sẽ cao hơn nhiều trong khi số người mắc "Long COVID" còn chưa được biết tới.

Trong năm nay, WHO đã tổ chức một loạt hội thảo nhằm mục đích tăng cường hiểu biết về các bệnh hậu COVID-19. Tại các sự kiện này, giới chuyên gia không chỉ lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, bác sĩ mà còn tiếp nhận những chia sẻ từ chính những người mắc "Long COVID".

Trong phiên họp trực tuyến của WHO diễn ra ngày 3/8, bà Janet Diaz - Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, cũng là người đứng đầu nghiên cứu về "Long COVID", cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, như đau ngực, ngứa ran và phát ban.

Một số bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài từ giai đoạn cấp tính; những người khác thì lại chuyển biến tốt hơn rồi sau đó tái phát, với các tình trạng có thể đến và biến mất; trong khi những người khác có các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi hồi phục từ giai đoạn cấp tính.

Một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có những người lên đến 6 tháng, thậm chí có thể có một ít trường hợp kéo dài đến 9 tháng hoặc lâu hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục