Thúc đẩy hợp tác kinh tế tài chính Việt Nam – Hàn Quốc

16:00' - 22/03/2019
BNEWS Với chủ đề “Kế hoạch tăng trưởng thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế lần thứ 8 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội
Toàn cảnh Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế lần thứ 8.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

 

Với chủ đề “Kế hoạch tăng trưởng thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế lần thứ 8 đã chính thức diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hàn Quốc và Tạp chí EDaily (Hàn Quốc) tổ chức, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành như Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam (NFSC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Uỷ ban Chứng khoán nhà nước Việt Nam…cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, sau hơn 25 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp. Nhờ có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hóa, bối cảnh lịch sử và tình cảm con người…đã giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu; đặc biệt là hợp tác về kinh tế và tài chính.

Hàn Quốc hiện là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam cũng đang là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 65,7 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,20 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD.

Hàn Quốc cũng đang là quốc gia đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hàng năm của Hàn Quốc luôn duy trì ở mức từ 7-9 tỷ USD. Hàn Quốc là đối tác đầu tư dẫn đầu ổn định vào Việt Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là một trong các nhà tài trợ song phương lớn của Việt Nam với nhiều khoản cho vay thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Đến nay, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ký kết tổng số 55 hiệp định cho vay với phía Việt Nam, với tổng số vốn cam kết là 2 tỷ USD.

Trong lĩnh vực thị trường vốn, đến nay có hơn 6.600 nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và có 6 công ty chứng khoán có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc là nước dẫn đầu trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong lĩnh vực bảo hiểm có sự tham gia của các công ty Hàn Quốc như: Hanwha Life, Mirae, Samsung Vina, Seoul Guarantee… và một số doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm qua.

Thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng cho biết thêm, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên 7% trong năm 2018. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam ưu tiên duy trì và đạt được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra, thâm hụt ngân sách và nợ công giảm mạnh; cán cân thanh toán đạt thặng dư kép, lãi suất và tỷ giá hối đoái được duy trì ổn định. Năm 2018, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody và Fitch đã nâng hạng tín nhiệm với trái phiếu Chính phủ Việt Nam lên triển vọng ổn định.

Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia; trong đó, có các Tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Lotte. Trong 30 năm qua, đã có trên 27.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt trên 335 tỷ USD; trong đó, tổng vốn thực hiện đạt 185 tỷ USD.

“Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải cách thể chế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, Chủ tịch EDaily ông Kwak Jea Sun nhận định, Việt Nam là đối tác quan trọng số 1 trong số các quốc gia ASEAN trên khía cạnh thúc đẩy chính sách đầu tư mới ở mọi lĩnh vực như giáo dục và trao đổi nguồn nhân lực. Năm 2018, việc trao đổi nguồn nhân lực giữa hai quốc gia đã được ghi nhận ở mức 3,3 triệu lao động và các công ty của Hàn Quốc vẫn đang liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, giao dịch thương mại giừa Hàn Quốc và Việt Nam cũng không ngừng được đẩy mạnh. Việt Nam đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn thức 3 của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế lần này là cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc cùng nhau phát triển và đổi mới, hợp tác cùng thịnh vượng dựa trên mối quan hệ chặt chẽ trong mọi lĩnh vực nói chung cũng như lĩnh vực tài chính nói riêng.

Trong phiên thảo luận về cơ hội, đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, Việt Nam đang thúc đẩy các nhiệm vụ cải cách như đầu tư nước ngoài và kích hoạch IPO cùng với việc bán cổ phần của mình trong các công ty Nhà nước.

Mới đây, lần đầu tiên Việt Nam giành được danh hiệu thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á, vượt qua cả Singapore, vốn là trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2018. Điều này liên quan chặc chẽ tới việc tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.

Chia sẻ về nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kang Moon Kyung, CEO Công ty TNHH Chứng khoán Nhân thọ Mirae Asset Việt Nam cho biết, tại Hàn Quốc, Tập đoàn SK đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào các công ty Nhà nước Việt Nam để tiến vào các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng như viễn thông, đầu mỏ và năng lượng. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc bao gồm: Samsung, LG, Posco, CJ, Hyosung…cũng có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ, xem Việt Nam là vùng đất cơ hội thay vì Trung Quốc.

Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng KEB Hana Bank đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 2018 để mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Huyndai M&F cũng đã mua 25% cổ phần của Công ty bảo hiểm ngân hàng (VBI) – công ty con của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Đó là chưa kể Bảo hiểm DB của Hàn Quốc cũng đã hoạt động kể từ khi mua lại 37% cổ phần của PTI – Công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vào năm 2015. Ngoài ra, các công ty luật cũng đang tìm kiếm cơ hội mới như thu hút sự chú ý đến cổ phần của các công ty Hàn Quốc trong các công ty Nhà nước và đầu tư vào thị trường tư vấn pháp lý…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục