Thực hiện nghiêm các quy định quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam

18:46' - 15/10/2020
BNEWS Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thực hiện nghiêm, chặt chẽ quy định quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt, hết thời hạn cách ly phải thực hiện theo dõi y tế đủ 14 ngày.

Chiều 15/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến chiều 15/10, thế giới ghi nhận 38,8 triệu người mắc COVID-19, gần 1,1 triệu người tử vong tại 216 quốc gia, vùng lãnh thổ. Châu Âu đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên. Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt các biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại.

Tại Việt Nam, đã 43 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng và đến nay đã có 1.122 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 35 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại” từ các quốc gia an toàn. Hiện, người nhập cảnh vào Việt Nam được xét nghiệm 3 lần, thay vì 2 lần như quy định trước đây để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Đến nay, Bộ Y tế quản lý tập trung thông tin của những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập cho các cấp chính quyền địa phương, lực lượng y tế, công an để thông tin số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam cư trú trên địa bàn đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sớm hoàn thiện và hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… thực hiện nhiệm vụ tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; cập nhật lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn). Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh 3 nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; từ một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” với các tiêu chí an toàn trong tình hình “bình thường mới”, khả thi hơn.

Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung thảo luận quy trình, biện pháp kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân, nhà đầu tư, người lao động, chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị, các cơ quan chuyên môn sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc mở lại đường bay thương mại, trên tinh thần thận trọng, ưu tiên mở các chuyến bay thương mại với những nước an toàn để thực hiện “mục tiêu kép” trong nước.

Rút kinh nghiệm trong việc triển khai một số chuyến bay thương mại thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện nghiêm quy trình cách ly đối với người nhập cảnh. Người nhập cảnh phải có địa chỉ lưu trú trước khi thực hiện chuyến bay và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các khách sạn, cơ sở lưu trú… sớm niêm yết công khai giá cả dịch vụ, điều kiện cách ly lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19”, hạn chế tình trạng đổi nơi cách ly tập trung sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên thế giới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn nêu rõ, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng không được lơ là, mất cảnh giác bởi mùa Đông đang đến gần, có điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan; cần tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường công tác truyền thông.

Triển khai “Thông điệp 5K” do Bộ Y tế phát động, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đeo khẩu trang được nhấn mạnh hàng đầu bởi đây là biện pháp quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong thời gian qua, nhiều địa phương áp dụng rộng rãi, nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng, được các chuyên gia đánh giá cao. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, khi đến nơi công cộng...

“Bộ Y tế khuyến cáo nhiều thành phố lớn, có mật độ dân cư đông như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa… áp dụng biện pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang và xử phạt tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng quy định hướng dẫn việc đeo khẩu trang để người dân sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm, tăng hiệu quả phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2”, Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho biết.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt; tuy nhiên, làn sóng dịch trên thế giới tăng nhanh với gần 400.000 ca/ngày. “Do đó, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng vô nghĩa. Lúc này, giống như giai đoạn ‘bình yên trước hai trận đánh, chúng ta phải củng cố tất cả lực lượng, sẵn sàng tất cả các biện pháp chống dịch, trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và nhân rộng trên toàn xã hội”.

Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm, chặt chẽ quy định quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt, hết thời hạn cách ly phải thực hiện theo dõi y tế đủ 14 ngày.

“Trên tinh thần cảnh giác cao, không được phép để mầm mệnh bùng phát, lan ra cộng đồng do lỏng lẻo trong việc theo dõi y tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục