Thực hư việc thu hồi đất không có quyết định để xây Khu công nghiệp ở Bắc Ninh

09:20' - 13/11/2021
BNEWS Phóng viên TTXVN đã làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ thông tin về việc huyện Tiên Du thu hồi đất xây khu công nghiệp đô thị nhưng không có quyết định thu hồi đất và bồi thường thỏa đáng.

Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng thông tin về việc chính quyền huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, thu hồi đất của người dân thôn An Động, xã Lạc Vệ, đặc biệt là đất tại khu đồng Dạm và đồng Cỏ nhưng không ban hành các quyết định thu hồi đất, không bồi thường thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Vụ việc gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và một số cơ quan hữu quan của huyện Tiên Du để tìm hiểu vụ việc.

* Tháo gỡ từng "nút thắt"      

Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tại Công văn số 856/TTG-CN ngày 28/6/2007 với tổng diện tích quy hoạch 1.000 ha, trong đó khu công nghiệp 800 ha, khu đô thị 200 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư năm 2010 và được giao, cho thuê đất (đợt 2) tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du tại Quyết định số 961/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư ngày 31/5/2021.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng, thực hiện chủ trương xây dựng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, UBND huyện đã quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho người dân. Đến nay, 100% các hộ sử dụng đất đã nhận tiền bồi thường và bàn giao đất.

Tuy nhiên, một số người dân trong thôn đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Cao điểm, sau khi Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thực hiện thi công san lấp mặt bằng tháng 7/2021, nhiều người dân thôn An Động đã ngăn cản, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công và bồi thường đất với mức giá cao hơn.

Theo nội dung đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, người dân đề nghị chủ đầu tư khi thu hồi đất phải thỏa thuận với nhân dân; không chấp thuận mức giá bồi thường (đối với đất lâu dài) là 158 triệu đồng/sào và không đồng ý diện tích đất nông nghiệp thu hồi tại khu đồng Dạm và đồng Cỏ, thôn An Động là đất công ích.

Ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, cho rằng từ khi chính quyền địa phương thực hiện phương án thu hồi đất và giao đất cho chủ đầu tư, người dân đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan của huyện, tỉnh từ năm 2018.

Đến nay đã trải qua hơn 3 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đồng thời hai xứ đồng là đồng Cỏ, đồng Dạm là đất từ thời cha, ông khai hoang để lại cho con cháu canh tác, đến nay các cấp chính quyền giao đơn vị thi công nhưng vẫn chưa bồi thường hợp lý cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Tươi, thôn An Động, xã Lạc Vệ, yêu cầu chính quyền cung cấp tài liệu chứng minh ruộng đồng Dạm va đồng Cỏ là ruộng công ích, quyết định thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư, công khai phương án bồi thường... Bà Tươi mong rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các vấn đề trên để củng cố niềm tin của nhân dân.

Lý giải về nguồn gốc đất đồng Dạm và đồng Cỏ, ông Vũ Phúc Chuyển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết, căn cứ tài liệu còn lưu giữ tại UBND xã Lạc Vệ năm 1992, thực hiện chủ trương về giao đất nông nghiệp cho nhân dân sử dụng ổn định, lâu dài, việc giao đất nông nghiệp cho người dân trong xã được thực hiện theo Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã, Đại hội xã viên Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã đã thống nhất, với các nhân khẩu sinh từ năm 1988 trở về trước được giao 600 m2 đất/người để canh tác.

Các nhân khẩu sinh sau năm 1988 đến ngày 30/6/1992 được giao 528m2 đất/người. Đối với các nhân khẩu sinh sau ngày 30/6/1992 không được giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài.

Sau khi giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài, trên 23 ha đất còn lại tại khu đồng Cỏ và đồng Dạm, địa phương đã quy hoạch làm diện tích đất công ích để quản lý, tạm giao cho các nhân khẩu sinh sau ngày 30/6/1992 canh tác và phải nộp tiền khoán sản phẩm hàng năm.

Vì vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nên giá bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo đơn giá của UBND tỉnh Bắc Ninh quy định tại thời điểm thu hồi đất, không thuộc trường hợp phải thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trả lời thắc mắc của người dân về phương án bồi thường đất, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết, theo Quyết định số 528/214/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Quyết định số 552/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh, đơn giá bồi thường, đối với đất nông nghiệp được giao ổn định lâu dài là 158 triệu đồng/sào.

Đơn giá hỗ trợ khi thu hồi đất công ích do UBND xã quản lý sẽ chi trả bồi thường chi phí đầu tư vào đất cho người đang sử dụng đất 21.000 đồng/m2 và bồi thường hoa màu trên đất nông nghiệp tạm giao là 9.000 đồng/m2, hỗ trợ cho ngân sách xã là 49.000 đồng/m2.

Về việc thông tin công dân thôn An Động đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, ông Nguyễn Minh Khoa, Chánh Thanh tra huyện Tiên Du cho biết, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của người dân thôn An Động về việc thu hồi đất tại dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, trả lời, giải đáp rõ ràng, cụ thể, có cơ sở, căn cứ, đúng quy định.

"UBND huyện đã ra thông báo về thu hồi đất, quyết định thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Quyết định về việc thu hồi đất tạm giao, đất chuyên dùng cũng được UBND xã Lạc Vệ niêm yết công khai tại trụ sở và nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Từ ngày 25/4-15/5/2019 đã niêm yết công khai số liệu lập phương án bồi thường tại thôn An Động", Chánh Thanh tra huyện Tiên Du nhấn mạnh.

* Đồng thuận để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội

Nói về ý nghĩa của dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng khẳng định, đây là khu công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, ưu tiên ngành nghề sử dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, điện tử, viễn thông, dược phẩm, công nghệ sinh học, vật liệu mới…

Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tạo động lực cho sự phát triển nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác, đặc biệt là công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc hình thành, thực hiện dự án đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.

Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng đất ưu tiên cho phát triển công nghiệp cũng như việc tiếp tục thực hiện Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh là vô cùng cấp thiết. Các cấp chính quyền mong muốn người dân đồng tình, ủng hộ vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du cho biết, trước tình hình một số người dân thôn An Động phản đối chủ đầu tư thi công Khu công nghiệp, UBND huyện đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, thực hiện nhiều lần đối thoại để nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải đáp thắc mắc của người dân.

Tại buổi đối thoại, sau khi lắng nghe kiến nghị của người dân, cơ quan chức năng đã trả lời rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, một số người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du cho biết, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức lợi ích và định hướng phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, từ đó đồng tình ủng hộ việc xây dựng khu công nghiệp.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh đó là tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ thi công. Theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng của tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công trong tháng 11 và đầu tháng 12/2021.

“Khi tổ chức bảo vệ thi công, công dân có hành vi, thái độ cố tình chống đối lực lượng chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật", Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục