Thực thi EVFTA - Bài 2: Mở rộng dư địa hợp tác Việt Nam - EU

08:06' - 01/08/2022
BNEWS Từ năm 2020 đến năm 2021, thương mại Việt Nam-EU trong lĩnh vực thực phẩm đã tăng trưởng 9%. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản..

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam–Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis, đây là một trong những hiệp định thế hệ mới thành công nhất của EU và được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai.

* Cánh cửa vào thị trường Việt Nam

Từ vài năm nay, nước dừa tươi nguyên chất đóng hộp Cocoxim của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở Bỉ. Đơn vị nhập khẩu độc quyền sản phẩm này từ Việt Nam là Công ty South Export Alliance.

 

Kể từ khi EVFTA được thực thi, hoạt động nhập khẩu của công ty khởi nghiệp này trở nên dễ dàng hơn. Anh François Colonval, Giám đốc công ty cho biết, anh gặp nhiều thuận lợi khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để nhập hàng với những ưu đãi từ EVFTA.

Hiệp định cũng tạo điều kiện để anh đa dạng hóa sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm hàng hóa, nông sản như bún khô, phở khô, miến, bánh đa nem và đặc biệt là bia Hà Nội và bia Sài Gòn để cung cấp cho các nhà hàng Việt Nam và châu Á trên khắp nước Bỉ cũng như ở Hà Lan, Pháp, Cộng hòa Czech (Séc).

Không chỉ riêng South Export Alliance được hưởng lợi từ EVFTA mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác của Bỉ cũng gặp thuận lợi khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Ông Marc Stordiau, Chủ tịch Tập đoàn Rent-a-port của Bỉ cho biết, hiện nay một số nhà nhập khẩu của Bỉ đang tiến hành thành lập mạng lưới nhằm giúp đỡ Việt Nam xuất khẩu tối đa trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long sang châu Âu với thời gian bảo quản lên đến hai tháng, không dùng thuốc hóa học nhưng vẫn đảm bảo giữ được trái cây tươi. Một hệ thống kho lạnh sẽ được xây dựng tại cảng Cái Mép để bảo quản trái cây sau đó được chuyên chở bằng đường biển sang châu Âu.

Ông Kim Demeyer, Tham tán khoa học và công nghệ thuộc Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư vùng Flanders tại Singapore cho biết, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam và được tham gia vào quá trình đấu thầu thị trường công của Việt Nam.

Theo bà Mariella Cantagalli, chuyên gia cao cấp phụ trách quan hệ thương mại với Việt Nam của Tổng vụ Thương mại Ủy ban châu Âu, từ khi triển khai, EVFTA đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia EU nói chung và Bỉ nói riêng, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.

* Các cơ hội thương mại mới

Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.

Vừa trở về từ chuyến thăm Việt Nam mới đây, Cao ủy phụ trách nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những kết quả đạt được trong tiến độ của hiệp định. Từ năm 2020 đến năm 2021, thương mại giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ euro (3,57 tỷ USD).

Tuy nhiên, những con số thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam. Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới. Một vài trong số những sản phẩm này được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải thiều Lục Ngạn.

Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường EU thông qua hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập vào EU với thuế suất 0%.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.

Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, sau hai năm triển khai EVFTA, nông sản và hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng ở thị trường châu Âu do lợi thế của EVFTA mà các đối thủ cạnh tranh khác chưa có.

Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất sang EU được hưởng thuế suất 0%. Đây cũng là lợi thế mà Việt Nam có được so với các đối thủ cạnh tranh khác như các nước ASEAN, châu Mỹ, Nam Á…

Trong nửa đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng hàng nông sản sang EU tăng 32%; trong đó một số mặt hàng chứng kiến mức tăng rất cao so với cùng kỳ như cà phê (+87%), gạo (+17%), thủy sản (+4,77%), hạt tiêu (+71%).

Bên cạnh đó, EVFTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Hiệp định giúp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông-lâm-thủy sản chiến lược và có lợi thế nhờ cắt giảm thuế quan, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tạo cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

EU là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ với các Hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu, tất cả các hiệp hội đều nhất trí đánh giá cao vai trò của Hiệp định EVFTA đối với thương mại trong những lĩnh vực mà các hiệp hội này phụ trách trong hai năm qua, mặc dù thời gian đầu hai bên còn gặp một số vướng mắc khi triển khai.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định: Trong thời gian tới Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU, vì theo Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, EU sẽ đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại song phương; trong đó có FTA với Việt Nam.

Đồng thời, hai năm vừa qua, do Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) vẫn còn hiệu lực nên trong một số ngành, các doanh nghiệp đang quen với việc khai thác GSP sẽ vẫn tiếp tục sử dụng GSP.

Tuy nhiên từ năm 2023, ưu thế về thuế của các FTA sẽ phát huy vai trò vượt trội hơn GSP và GSP sẽ hết hiệu lực với Việt Nam, nên các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa FTA./.

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 1: Sức bật cho tăng trưởng

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 3: Áp lực vượt khó để tuân thủ " luật chơi"!

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 4: Đưa nông sản Việt hướng đến trách nhiệm, minh bạch

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài cuối: Yếu tố then chốt để tận dụng cơ hội

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục