Thúc tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện trọng điểm

11:14' - 21/09/2022
BNEWS SPMB đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn ở các dự án truyền tải trên. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành dự án, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Theo chia sẻ của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), nhiều dự án truyền tải điện qua địa phận tỉnh Long An vẫn đang vướng mắc giải phóng mặt bằng để thi công. Do vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Báo cáo của SPMB cho biết, hiện SPMB được giao quản lý điều hành một số dự án truyền tải điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Long An là Trạm biến áp 500 kV Đức Hòa và đấu nối; đường dây 500 kV Đức Hòa – Chơn Thành. Đây là những công trình thuộc hệ thống truyền tải điện 500 kV, được vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia tại Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. 

Mặc dù là những dự án trọng điểm cấp bách nhằm đảm bảo điện cho tỉnh Long An và các tỉnh phụ cận trong năm 2022 và các năm tới khi tốc độ tăng trưởng điện khu vực tăng trưởng mạnh, nhưng hiện nay các dự án này đều vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Cụ thể, phần đường dây đấu nối 500 kV thuộc dự án Trạm biến áp 500 kV Đức Hòa (huyện Đức Hòa), hiện nay đã bàn giao mặt bằng được 59/69 vị trí móng, còn 10 vị trí chưa bàn giao thuộc xã Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Đông và Công ty Đại Lộc Long An (khu công nghiệp Nam Thuận). Về công tác kiểm đếm, còn 2 hộ gia đình chưa kiểm kê, 2 hộ gia đình có nhà xưởng ảnh hưởng hành lang an toàn đang khiếu nại về hướng tuyến đường dây.

Phần đường dây đấu nối 220 kV thuộc dự án Trạm biến áp 500 kV Đức Hòa đã bàn giao mặt bằng 66/67 vị trí móng. Còn 1 vị trí chưa bàn giao mặt bằng do hộ dân cương quyết không nhận tiền, có thái động chống đối, thách thức chính quyền địa phương. Hiện vị trí này đang chờ UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trưng dụng đất để triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Dự án đường dây 500 kV Đức Hòa – Chơn Thành có tổng mức đầu tư gần 1.458 tỷ đồng. Dự án có quy mô dài khoảng 104 km, với 256 vị trí móng trụ, đi qua huyện Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An; huyện Trảng Bàng, Gò Dầu của tỉnh Tây Ninh; huyện Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Phú Giáo của tỉnh Bình Dương và huyện Chơn Thành của tỉnh Bình Phước. Trong đó đoạn qua tỉnh Long An gồm 57 vị trí móng (huyện Đức Hòa 49 vị trí và huyện Đức Huệ 8 vị trí).

Đến nay, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Long An đã thẩm định phê duyệt 49/49 bản vẽ móng trụ và bản vẽ hành lang an toàn trên địa bàn huyện Đức Hòa. 

Tại huyện Đức Huệ có 8 vị trí móng (từ VT 50 – VT 58) qua 02 xã Mỹ Quý Đông, xã Mỹ Thạnh Bắc, hiện các bản vẽ móng trụ, hành lang an toàn đã được Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Long An thẩm định phê duyệt. Đã kiểm kê xong xã Mỹ Quý Đông 29/29 hộ; xã Mỹ Thạnh Bắc 16/16 hộ.

Để kịp đóng điện các dự án nêu trên vào tháng 10/2022, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước, ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc EVNNPT, kiêm giám đốc SPMB cho biết, trong thời gian qua, SPMB đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn ở các dự án truyền tải trên. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành dự án rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

"Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Long An sớm trình UBND tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh giá bồi thường đất năm 2022 trong tháng 9/2022 để huyện Đức Huệ có cơ sở lập phương án bồi thường bổ sung cho đường dây 500 kV Sông Hậu – Đức Hòa; chỉ đạo UBND các huyện các các đường dây đi qua sớm phê duyệt đơn giá đất, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với những trường hợp các hộ dân cố tình chống đối.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm ghi nhận và đánh giá cao SPMB trong thời gian qua đã bám sát chính quyền địa phương trong tỉnh để hoàn thành khối lượng mặt bằng rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nguyễn Minh Lâm cho biết, trong thời gian qua, ngành điện nói chung và EVNNPT nói riêng đã rất nỗ lực đảm bảo điện cho tỉnh Long An nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Tỉnh Long An nhận thức rõ tầm quan trọng của các dự án truyền tải điện trên nên trong thời gian qua đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt. Hiện nay vẫn còn những tồn tại liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh cam kết chỉ đạo quyết liệt để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị ngành điện. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện còn vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng cần tiếp tục tuyên truyền vận động để hộ dân đồng thuận với dự án. Trong trường hợp đã tính đúng, đủ theo các quy định của pháp luật mà các hộ dân vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng, cần xây dựng phương án bảo vệ thi công nhằm giải quyết dứt điểm các vị trí còn vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh Long An cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu và sớm trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể trong tháng 9/2022 để có cơ sở thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp, hỗ trợ SPMB để hoàn thành tiến độ đóng điện các dự án trong tháng 10/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục