Thuế quan trả đũa Mỹ-Trung: Cuộc đấu tay đôi gay cấn

07:25' - 06/09/2019
BNEWS Mỹ đã kích hoạt đợt tăng thuế mới nhất đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo đúng kế hoạch, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Động thái này là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch áp thuế 15% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến cuối năm nay do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), kể từ 11h01 ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ đã bắt đầu thu thuế ở mức 15% đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong tổng lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD bị áp thuế.

Mức thuế mới nhắm đến một loạt sản phẩm, từ thực phẩm (sốt cà chua, thịt, xúc xích thịt lợn, hoa quả, rau củ, sữa, phô mai) đến các thiết bị thể thao (gậy đánh golf, ván lướt sóng, xe đạp), từ nhạc cụ đến đồ thể thao và đồ nội thất...

Các nhà kinh tế tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington ước tính, 112 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế này.

* Một cuộc đấu tranh quyền lực địa chính trị

Ban đầu là một tranh chấp về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, giờ cuộc chiến này ngày càng được xem là một cuộc đấu tranh quyền lực địa chính trị.

Bắc Kinh khẳng định họ có "dư cách" để trả đũa, đồng thời kêu gọi cả hai bên tiếp tục đàm phán thương mại. Kế hoạch của ông Trump dự kiến sẽ áp đặt thuế lên gần như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá khoảng 550 tỷ USD.

Cho đến nay, Washington đã áp thuế đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã trả đũa bằng biện pháp tương tự đối với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Các doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn trong việc tìm hướng phát triển giữa tình thế không chắc chắn vì tranh chấp thương mại kéo dài. Các nhà phân tích cho rằng với sự leo thang mới nhất, triển vọng cho một giải pháp có vẻ khá ảm đạm.

"Thật khó khăn trong giai đoạn này để có thể có một thỏa thuận hoặc ít nhất là một thỏa thuận tốt", Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Capital Economics, nói với đài BBC.

"Kể từ khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ hồi tháng Năm, vị thế của cả hai bên đã trở nên cứng rắn hơn và đã có những sự phức tạp khác, cụ thể là lệnh cấm tập đoàn viễn thông Huawei và các cuộc biểu tình ở Hong Kong, khiến cho việc thu hẹp khoảng cách thậm chí còn khó khăn hơn".

Chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào "danh sách đen" thương mại vào tháng Năm, trong khi Tổng thống Trump đã đưa vấn đề biểu tình ở Hong Kong vào việc đàm phán thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

* Người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nhất 

Người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất với các mức thuế mới này, không giống như các đợt trước đó, vốn tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất. Tã lót, máy rửa chén, giày dép, quần áo, thực phẩm, nhìn qua danh sách 122 trang sản phẩm, thật khó để tìm thấy thứ gì đó không có trên đó.

Nhiều nhà bán lẻ nói rằng họ có ít sự lựa chọn ngoài việc đổ chi phí lên người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến việc đợt đánh thuế tiếp theo sẽ là quần áo và các mặt hàng lớn như máy tính xách tay và iPhone, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực vào tháng 12 tới.

Đến cuối năm nay, Washington dự kiến sẽ đánh thuế trên hầu hết tất cả 550 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ mua hàng năm từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chi tiêu trung bình hàng năm của hộ gia đình sẽ tăng thêm 800 USD, theo Giáo sư Katheryn Russ từ Đại học California.

Ông Trump đã nhiều lần lập luận rằng Trung Quốc sẽ phải trả số tiền thuế này, nhưng nhiều công ty Mỹ đã bác bỏ tuyên bố đó. Thuế quan đối với giày dép "cũng có nghĩa là những khoản tăng thuế khổng lồ này sẽ tác động đến hàng chục triệu người Mỹ khi họ mua giày trong mùa lễ".

Hơn 200 hãng sản xuất giày dép, bao gồm Nike và Converse, cho biết mức thuế trên sẽ khiến thuế hiện hành đối với những sản phẩm này tăng lên tới 67% đối với một số loại giày, khiến chi phí tiêu dùng tăng thêm 4 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại sau khi Mỹ cho biết họ sẽ đi trước với các mức thuế mới. Tuyên bố của Phòng Thương mại Mỹ viết: "Các thành viên của chúng tôi từ lâu đã bày tỏ quan ngại rằng thuế quan sẽ do chính người tiêu dùng chịu và sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp.

Chúng tôi kêu gọi cả hai bên hướng tới một thỏa thuận bền vững càng sớm càng tốt để giải quyết những vấn đề cơ bản, cũng như cơ cấu mà các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt từ lâu ở Trung Quốc".

* Điều gì tiếp theo?

Kể từ ngày 15/12 tới, giai đoạn thứ hai của mức thuế quan 15% sẽ đi vào hiệu lực đối với phần hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Trong số đó có cả các sản phẩm công nghệ như điện thoại và máy tính mà Tổng thống Trump đã tìm cách bảo vệ cho đến bây giờ. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch tăng các mức thuế hiện tại từ 25% lên 30% vào ngày 1/10.

Chuyên gia Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington nói: "Đây là một cuộc chiến thương mại toàn diện, cùng với sự trả đũa của Trung Quốc, có thể làm giảm mức tăng trưởng GDP tiềm năng của Mỹ xuống gần 1%. Trong khi đó, tác động đối với Trung Quốc thì sẽ lớn hơn, tới 5%"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục