Thương mại Mỹ-EU rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

21:55' - 29/04/2021
BNEWS Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với một vấn đề nan giải lớn trong cuộc tranh chấp với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến thuế nhôm và thép dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Liệu Mỹ sẽ “thỏa hiệp” để tránh gây ra nỗi đau cho nhà sản xuất xe máy Harley-Davidson Inc và ngành rượu vang hay sẽ “cố thủ” với mức thuế nhôm và thép hiện nay, vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt của các nhà sản xuất Mỹ.
EU đã dọa tăng gấp đôi mức thuế đánh vào xe máy Harley-Davidson, rượu whisky và tàu điện do Mỹ sản xuất lên 50% từ ngày 1/6, làm tiêu tan hy vọng về việc xuất khẩu các mặt hàng này sang “lục địa già”.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ duy trì các biện pháp bảo vệ thuế quan đối với ngành thép và nhôm cho đến khi vấn đề dư thừa nguồn cung (thép và nhôm) trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc, được giải quyết.
Gần đây, một tòa án châu Âu đã đưa phán quyết rằng những chiếc xe máy được sản xuất tại Thái Lan của Harley sẽ được tính là sản xuất tại Mỹ và chịu mức thuế 50%, thay vì mức thuế 6% thông thường.

Phản ứng trước phán quyết này, Giám đốc điều hành Harley Jochen Zeitz nói rằng Harley-Davidson đang phải đối mặt với mức thuế “khủng” trong một cuộc chiến thương mại mà không phải do hãng gây ra.

Harley-Davidson đang đặt cược lớn vào thị trường châu Âu, thị trường lớn thứ hai của hãng, để giúp thúc đẩy chiến lược quay vòng. Tuy nhiên, mức thuế cao này đang giúp các đối thủ của hãng là Triumph, Honda và Suzuki có được lợi thế cạnh tranh về giá.
Nhà sản xuất rượu thủ công Dad's Hat Pennsylvania Rye Whisky tại Bristol, Pennsylvania, mới đây cũng đã vận chuyển pallet rượu đầu tiên cho một nhà phân phối châu Âu trong hơn hai năm qua sau khi mức thuế 25% đánh lên mặt hàng rượu làm hạn chế hoạt động xuất khẩu của hãng này trong năm 2018.
Tuy nhiên, trái ngược với 2 mặt hàng trên, Liên đoàn công nhân ngành thép United Steelworkers (USW) kêu gọi chính quyền tiếp tục ủng hộ các mức thuế áp dụng cho sản phẩm nhôm và thép theo Mục 232, cho rằng việc dỡ bỏ các mức thuế này sẽ cho phép thép Trung Quốc được trợ cấp tràn trở lại vào thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba.
Chủ tịch USW Tom Conway thừa nhận những thiệt hại mà nhà sản xuất xe máy Harley phải hứng chịu, nhưng cho biết các biện pháp bảo vệ này cần được duy trì cho đến khi công suất sản xuất dư thừa của Trung Quốc được cắt giảm.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết đang làm việc với các đối tác EU để tìm hướng giải quyết, nhưng họ cần phải giải quyết vấn đề dư thừa công suất ở Trung Quốc trước tiên, nước đóng góp hơn 50% sản lượng thép trên thế giới.
Bà Katherine Tai hy vọng các quan chức EU sẽ coi vấn đề này "là một thách thức nghiêm trọng đối với khả năng sản xuất và cạnh tranh của ngành thép như nước Mỹ đang nhận thấy và cùng phối hợp để giải quyết một loạt vấn đề thuế quan này.
EU chưa bao giờ chấp nhận mức thuế 25% đánh vào thép và thuế 10% đánh lên nhôm được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3/2018, các mức thuế dựa trên luật thương mại thời Chiến tranh lạnh này nhằm bảo về các ngành công nghiệp trong nước, mà được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục