Tiền ảo: Quản lý để tránh rủi ro cho nền tài chính

10:06' - 14/02/2018
BNEWS Trong năm qua, cơn sốt tiền kỹ thuật số, tiền ảo - Bitcoin không chỉ bùng lên mạnh mẽ ở các nước phát triển trên thế giới, mà ngay tại Việt Nam.
Tiền ảo bitcoin. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại Việt Nam, Bitcoin cũng được giao dịch, mua bán khá sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng giá chóng mặt và cơ hội “đổi đời” từ đồng tiền này, thì rủi ro mà nó mang lại cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế lại rất lớn.

Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu về hệ lụy của đồng tiền này tới nền kinh tế cũng như việc quản lý tiền ảo trong tương lai gần.

Phóng viên: Thưa ông, đồng Bitcoin được tạo ra như thế nào và hiện đồng tiền này có được công nhận thanh toán tại Việt Nam không?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Đồng Bitcoin được tạo ra trên nền tảng của công nghệ Blockchain, là một cơ sở để duy trì, xử lý dữ liệu thông tin qua tất cả các máy tính ngang hàng với nhau. Bitcoin cũng là một đồng tiền nhưng nó không được tạo ra do một người hay một cơ quan nào, mà do sự vận hành của các khối thông tin liên kết với nhau, các máy chủ được phân quyền, dữ liệu, và sự vận hành.

Đồng Bitcoin được mặc định với số lượng giới hạn, không thể vượt quá. Hiện nay, Bitcoin đang ở xu thế đi lên, nhưng không bền vững. Đơn cử như đợt sụt giảm mạnh hồi cuối tháng 12 vừa qua. Vì số lượng đồng Bitcoin là có hạn, khi người ta càng “đào”, càng tiến đến điểm giới hạn của mức cung, trong khi mức cầu là vô hạn. Với hiện tượng đó, chúng ta phải nghĩ đến quản lý nó chặt chẽ.

Hiện tại như chúng ta biết, tại nước ta, đồng Bitcoin không được công nhận như là một phương tiện thanh toán, mua bán sản phẩm, đi chợ, siêu thị… Nhưng hiện chúng ta mới chỉ dừng ở mức độ đó, còn chưa có quy định rõ ràng liệu chúng ta có cấm, hay cho phép giao dịch bằng đồng tiền này.

Vì thế, việc mua bán giao dịch đồng Bitcoin tại Việt Nam vẫn càng ngày càng phổ biến, rất nhiều người bỏ tiền mua đồng Bitcoin với mong muốn giàu có chỉ qua đêm. Hiện tượng này đưa đến cảnh báo về rủi ro của đồng Bitcoin.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những hệ lụy mà tiền kỹ thuật số - Bitcoin có thể gây ra với nhà đầu tư và nền kinh tế, tài chính nước nhà?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Nếu chúng ta ở trong tình trạng: không cấm, cũng không cho phép, ở trong một cái thế nửa chừng, thì đồng Bitcoin sẽ càng phổ biến, rủi ro không những cho nhà đầu tư, người dân Việt Nam mà rủi ro cho cả hệ thống tiền tệ, chính sách tiền tệ. Vì đến một lúc nào đó, người dân sẽ xem đồng Bitcoin tương đương với đồng VND, USD, EUR và sẽ không kiểm soát được.

Cụ thể hơn, chúng ta hiện đang kiểm soát được nguồn cung tiền, lượng tiền của nền kinh tế qua lượng tiền mặt và tiền gửi. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát được khối lượng tiền tệ qua Bitcoin thì nền tài chính sẽ đi vào khủng hoảng, không kiểm soát được, ảnh hưởng đến lạm phát.

Bên cạnh đó, Bitcoin và các loại tiền ảo cũng là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài. Việc vận chuyển tài sản diễn ra nhanh chóng, trong vài giây đồng hồ là có thể thực hiện, không phải qua hệ thống quản lý của ngân hàng. Chúng ta muốn ngăn chặn chảy máu ngoại tệ, ngăn chặn rửa tiền qua Bitcoin sẽ là rất khó.

Nếu chúng ta không có quy định chặt chẽ thì nhiều người sẽ từ bỏ hệ thống ngân hàng để đầu tư vào tiền ảo; dùng Bitcoin để thanh toán, trả chi phí sinh hoạt, giao dịch thương mại và đầu tư. Đến lúc đó, chúng ta sẽ có khối lượng tiền tệ chính thức và một bên là khối lượng tiền tệ ảo, không chính thức, tiền kỹ thuật số. Và hai lượng tiền đó đều có thể ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả, đẩy ngành tài chính quốc gia vào khủng hoảng.

Phóng viên: Thưa ông, vậy chúng ta có thể ngăn chặn Bitcoin như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi nghĩ thì không thể cấm được. Vì đồng Bitcoin được sản xuất qua kỹ thuật Blockchain, vận hành của các máy tính ngang hàng trên toàn thế giới. Cho đến khi nào khối thông tin đó còn tiếp tục vận hành thì chúng ta không thể ngăn chặn được, trừ trường hợp chúng ta đánh sập khối thông tin đó, đánh sập tất cả các máy chủ hiện tại đang vận hành để đào ra đồng Bitcoin. Việc đó là không thể.

Trường hợp khác, tất cả các Chính phủ đồng ý ngăn chặn và đánh sập hệ thống. Nhưng đây cũng là chuyện không thể. Vì sẽ có các quốc gia chấp nhận Bitcoin, như một số quốc gia châu Phi, đồng nội bảng của họ rất yếu, và họ phải dùng đồng Bitcoin làm đồng thanh toán của họ. Thành ra, việc cấm Bitcoin là không thể xảy ra.

Nếu chúng ta chỉ cấm Bitcoin trong lãnh thổ Việt Nam, còn phía ngoài lãnh thổ Việt Nam, Bitcoin vẫn được giao dịch vận hành, giá trị càng tăng, người ta vẫn sẽ tìm cách đổ tiền vào Bitcoin,

Nên kết luận của tôi là không thể cấm được Bitcoin, mà chúng ra phải chấp nhận nó, quản lý nó.

Tôi đồng ý với Ngân hàng Nhà nước là không thể chấp nhận Bitcoin như là đồng tiền thanh toán, nó không thể mang giá trị tương đương tiền đồng hay USD, EUR, nhưng nó có giá trị hàng hóa, giống như vàng, hay tài sản vật lý, trừu tượng…

Giống như việc chúng ta vào casino thì không thể dùng USD, EUR mà phải đổi ra con chip đánh bạc, thì con chip đó có giá trị hàng hóa trong song bạc đó.

Phóng viên: Vậy ông dự báo thế nào về đồng Bitcoin và Việt Nam cần làm gì để kiểm soát đồng tiền ảo này, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh công nghệ 4.0, tương lai, khi thanh toán bằng tiền mặt ngày càng giảm, thì sự phổ biến và vai trò của Bitcoin càng tăng.

Do vậy, nếu chúng ta không quản lý, thì e rằng, rất nhiều giao dịch mua bán của người dân vẫn sẽ thanh toán bằng tiền ảo và Bitcoin (dù luật có thể cấm).

Chúng ta nên đối diện với tiền ảo một cách thực tế, bằng việc đưa ra những khung luật pháp, khung pháp lý cho đến việc kiểm soát việc người dân sử dụng Bitcoin như thế nào.

Và để quản lý thì sàn giao dịch có thể chấp nhận người mua bán, giao dịch theo yêu cầu của khách hàng, thành viên. Sàn giao dịch đó phải được đăng ký dưới hình thức của một công ty, phải có ban quản lý, quản trị, mang tính pháp lý, và chịu trách nhiệm pháp luật. Với hình thức đó, ít nhất chúng ta có thể phần nào quản lý giao dịch chính thống của đồng Bitcoin.

Thực ra việc đánh sập Blockchain để tiêu hủy là điều khó xảy ra, nhưng tôi không loại trừ khả năng sàn giao dịch chỗ này chỗ kia bị đánh sập, hoặc hệ thống Blockchain trong tương lai bị quá tải, không được vận hành trơn tru, ảnh hưởng tài sản người đang giữ Bitcoin. Trong vòng 2-3 năm tới, giá trị Bitcoin có thể sẽ gia tăng, nhưng trong thời gian sau đó, rất có thể sẽ có rủi ro về pháp lý, về thị trường…/.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

BOX: Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ 1/1/ 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)./.

>>>Qatar cảnh báo các tổ chức tài chính nước này không nên giao dịch tiền ảo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục