Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm

15:52' - 01/12/2022
BNEWS Ngày 1/12, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 11 năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021 thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng; trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Về thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết trong 11 tháng năm 2022, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 592,9 tỷ đồng, thu về 3.671,4 tỷ đồng. Trong số đó, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá trị là 73 tỷ đồng, thu về 89 tỷ đồng. Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại NHTM cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá trị 60,3 tỷ đồng thu về 1.072 tỷ đồng và thoái vốn tại CTCP Hóa chất Việt Trì với giá trị là 0,004 tỷ đồng thu về 0,026 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ. Cùng đó, tiếp tục được cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2022, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm; trong đó, do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan.
Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn này có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. Một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính. Một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nhưng có doanh thu và lợi nhuận thấp, không thu hút nhà đầu tư.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.
Nhằm kịp thời gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, về cơ chế chính sách, hiện nay Bộ Tài chính kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025” và Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi cao nhất phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.


Về phía Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.
Đặc biệt, xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục