Tìm nguồn vốn xã hội hóa hoàn thiện dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân

19:01' - 18/03/2018
BNEWS Dư án đường sắt Yên Viên-Cái Lân được xây dựng nhằm nâng cao năng lực vận tải đường sắt từ Hà Nội đến Quảng Ninh.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất lên Chính phủ cho phép tìm nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thiện dự án đường sắt tuyến Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân (dự án đường sắt Yên Viên – Cái Lân) đã bị dừng thi công gần 8 năm.
Tìm nguồn vốn xã hội hóa hoàn thiện dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân. Ảnh minh họa: TTXVN
Dự án đường sắt Yên Viên- Cái Lân dài 131km có tổng mức đầu tư ban đầu gần 7.700 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, bị dừng thi công từ năm 2011 do thiếu vốn.
Dư án được xây dựng nhằm nâng cao năng lực vận tải đường sắt từ Hà Nội đến Quảng Ninh.Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1.435 m và 1m) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/giờ cho tàu khách và 80 km/giờ cho tàu hàng.
Nếu tuyến đường này hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên lên Kép và hành trình chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5-2 giờ (với tàu khách), 3-4 giờ (với tàu hàng).
Hiện, ngoài tiểu dự án Hạ Long-cảng Cái Lân (tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng) được hoàn thành, 3 tiểu dự án còn lại đang thực hiện dở dang, nhiều hạng mục phải “đắp chiếu”.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân đã được bố trí 4.536 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng được phê duyệt. Nhưng để tiếp tục hoàn thành, dự án cần phải bố trí thêm khoảng 5.268 tỷ đồng từ nay đến năm 2020. Số vốn trên được phân kì đầu tư giai đoạn 1 (2017 - 2020) khoảng 4.041 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2021 – 2022) khoảng 1.204 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án hiện đã tăng lên khoảng 9.804 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất khó khăn, trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Chính phủ cho phép tìm nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hoàn thành dự án trên.
Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), nên đưa dự án tuyến đường sắt Yên Viên-Cái Lân vào danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.
Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiếp xúc và làm việc với một số đơn vị quan tâm đầu tư lĩnh vực đường sắt trong và ngoài nước để mời đầu tư dự án (Công ty Posco E&C, Công ty Lotte E&C của Hàn Quốc; Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh), tuy nhiên đến nay chưa có đơn vị nào có đề xuất đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục