Tình trạng tăng giá nguyên liệu thế giới sẽ được ngăn chặn?

09:33' - 22/08/2021
BNEWS Trong tuần vừa qua, giá dầu mỏ giảm trong sáu phiên liên tiếp - một hiện tượng hiếm khi xảy ra ít nhất là trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong bài viết nhận định về giá cả thị trường nguyên liệu thế giới, thời báo Les Echos số ra gần đây cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) thay đổi chính sách và sự lây lan của biến thể Delta ở Trung Quốc sẽ ngăn chặn tình trạng tăng giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.

Đồng USD đã mạnh lên sau khi biên bản cuộc họp tháng Bảy của Fed cho thấy các quan chức phần lớn kỳ vọng họ có thể thu hẹp chương trình kích thích kinh tế trong năm nay.

Thêm vào đó, những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, cũng góp phần gây sức ép lên triển vọng nhu cầu nguyên liệu thô.

Trong tuần vừa qua, giá dầu mỏ giảm trong sáu phiên liên tiếp - một hiện tượng hiếm khi xảy ra ít nhất là trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức 66 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021. Bất chấp kỳ nghỉ Hè luôn được coi là “mùa lái xe xuyên Đại Tây Dương", mức tiêu thụ nhiên liệu vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.

Các kim loại phục vụ công nghiệp cũng chịu áp lực lớn. Giá đồng trở lại dưới mốc 9.000 USD/tấn. So với thời điểm đạt mức giá cao nhất lịch sử 10.460 USD vào tháng 5/2020, giá kim loại đỏ này đã mất 15%.

Trong khi đó, giá kẽm giảm xuống dưới mức 3.000 USD/tấn và niken cũng giao dịch dưới ngưỡng 19.000 USD/tấn. Ngay cả nhôm, vốn đã tăng giá mạnh trong những tuần gần đây, cũng đang có xu hướng giảm.

Giá quặng sắt còn giảm ấn tượng hơn. Trên thị trường Singapore, giá quặng sắt mất gần 40% giá trị so với mức đỉnh gần nhất ghi nhận cách đây một tháng là 208 USD/tấn. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 20/8, giá quặng sắt có thời điểm giảm xuống còn 130 USD/tấn.

Giá kim loại đi xuống đã kéo theo giá cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ cũng giảm. Các “người khổng lồ” khai khoáng như BHP của Australia, Rio Tinto - tập đoàn khai khoáng hàng đầu của Australia và Anh, hay Glencore (của Anh và Thụy Sỹ) - đều giảm khoảng 3%.

Theo chuyên gia phân tích Daniel Briesemann thuộc ngân hàng Commerzbank, các đợt giãn cách xã hội diễn ra ở Trung Quốc hoặc New Zealand nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã củng cố nhận định của các nhà điều tiết thị trường rằng sự phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.

Ví dụ, cảng thương mại lớn thứ ba trên thế giới ở phía Nam thành phố Thượng Hải đã phải tạm ngừng hoạt động trong một thời gian vì một trường hợp nhiễm biến thể Delta.

Tuy nhiên, không chỉ đại dịch làm ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu Trung Quốc. Để giảm lượng khí thải carbon và thực hiện các cam kết về khí hậu, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà máy thép giới hạn sản lượng của họ ở mức 1 tỷ tấn. Do đó, các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu quặng sắt sẽ thấp hơn trong vài tháng cuối năm./.

>>Giá vàng thế giới tháng 7 tăng gần 3%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục