Tình trạng thiếu lao động có thể tiếp diễn trên toàn thế giới

10:00' - 15/01/2024
BNEWS Các khảo sát gần đây cho thấy 77% lãnh đạo doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng ứng viên có kỹ năng phù hợp. Mười năm trước, chỉ có 35% trong số họ cho biết đã gặp những khó khăn như vậy.

Nhận định về thị trường lao động toàn cầu, nhật báo Les Echos dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng dân số già đi, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những thay đổi về công nghệ, thiếu năng lực kỹ thuật và sự thay đổi hành vi của người lao động đối với công việc... là một số trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động kéo dài, trở thành một thách thức thường trực đối với nền kinh tế toàn cầu.

 

Trong báo cáo thường niên về các vấn đề việc làm và xã hội trên thế giới được công bố tuần qua, ILO cảnh báo xu hướng này có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu. Các khảo sát gần đây cho thấy 77% lãnh đạo doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng ứng viên có kỹ năng phù hợp. Mười năm trước, chỉ có 35% trong số họ cho biết đã gặp những khó khăn như vậy.

Phòng Thương mại Mỹ ghi nhận tình trạng thiếu hụt đáng kể về nhân công trong các lĩnh vực vận tải, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, cũng như dịch vụ lưu trú và ăn uống. Theo ông Richard Sanders, Giám đốc nghiên cứu của ILO, sở dĩ có tình trạng này là do Mỹ luôn xem nhẹ việc đầu tư vào kỹ năng của nhân viên, không giống như các nước phát triển khác.

Đối với Liên minh châu Âu, các lĩnh vực xây dựng, công nghệ thông tin và truyền thông, sản xuất và chăm sóc sức khỏe cũng đang trong tình trạng thiếu lao động. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng đến cả các lĩnh vực có năng suất cao và được trả lương cao, cũng như các lĩnh vực có mức lương thấp.

Ngoài ra, sự già đi của dân số ở các nước giàu cũng khiến nhu cầu nhân công tăng lên trong lĩnh vực y tế vốn đang thiếu hụt. ILO chỉ ra rằng tình trạng thiếu nhân viên y tế thậm chí sẽ “có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu những nhà hoạch định chính sách không đưa ra các giải pháp để khắc phục nhanh chóng điều này”.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với nguồn nhân tài ngày càng hạn hẹp và sẽ cần phải điều chỉnh quy trình làm việc của họ cho phù hợp với lực lượng lao động ngày càng lớn tuổi, có nhu cầu và khả năng khác hẳn với những người trẻ tuổi, theo cảnh báo của ILO.

Đại dịch COVID-19 cũng đã làm thay đổi thái độ của người lao động đối với việc làm. Ông Richard Sanders, Giám đốc nghiên cứu của ILO, nhận xét: “Trong số những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khoảng 20% trong số họ, theo WHO, mắc COVID-19 kéo dài và đã nghỉ việc”. Và ngay cả khi những nhân viên đã trở lại làm việc, thì họ cũng sẽ không làm việc với số giờ như trước nữa.

Cụ thể là ở Mỹ, khoảng 280.000-680.000 người mắc COVID-19 kéo dài đã nghỉ việc. Những người tiếp tục đi làm cũng đã giảm số giờ làm việc từ 2% đến 3%, tương đương 20.000-39.000 giờ làm việc toàn thời gian. Đó là chưa kể, số lượng người lao động nghỉ ốm cũng có xu hướng gia tăng. Sự kiệt sức và căng thẳng là những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này, đặc biệt đối với nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khách sạn. Kết quả: số ngày nghỉ ốm cao hơn đáng kể so với năm 2019. Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động ở châu Âu.

Cuộc cách mạng công nghệ với trí tuệ nhân tạo, khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi năng lượng cũng sẽ đòi hỏi việc tiếp thu các kỹ năng mới. Tổ chức Lao động Quốc tế lo ngại những thay đổi công nghệ sẽ dẫn đến sự phát triển về nhu cầu kỹ năng và nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu mới này sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Tổng Giám đốc ILO, Gilbert Houngbo, nhấn mạnh rằng trong bảng thống  kê hàng năm ILO khá hài lòng với dữ liệu “đáng mừng” về tình trạng thất nghiệp giảm, nhưng một phân tích sâu hơn lại cho thấy sự mất cân bằng trên thị trường lao động đang ngày càng gia tăng một cách "đáng lo ngại".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục