Vì sao năng suất lao động Canada tụt hậu so với các nền kinh tế G7?

09:26' - 12/01/2024
BNEWS Một trong những nguyên nhân chính lý giải việc lực lượng lao động Canada có năng suất thấp hơn, vì các công ty nước này đầu tư ít hơn vào công nghệ và có phương thức kinh doanh kém hiệu quả hơn.

Mạng theglobeandmail.com đăng bài phân tích của ông Claude Lavoie, Vụ trưởng nghiên cứu kinh tế và phân tích chính sách Bộ Tài chính Canada, lý giải nguyên nhân năng suất lao động của người dân nước này kém hơn các quốc gia phát triển khác, mặc dù họ phải làm việc nhiều thời gian hơn.

Theo tác giả, trong thời gian một công nhân Canada sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ trị giá 1 USD, một công nhân Pháp sản xuất ra 1,20 USD và một công nhân Mỹ làm ra 1,30 USD, hơn 30%.

Năm 2000, sự chệnh lệnh này chỉ ở mức 20%. Điều đó có nghĩa là mức sống của người Canada đã xuống cấp so với các quốc gia khác, vì năng suất lao động liên quan trực tiếp tới thu nhập bình quân đầu người.

Người Canada làm việc nhiều thời gian hơn so với các lao động ở những nền kinh tế tiên tiến khác và tỷ lệ người Canada có bằng cao đẳng hoặc đại học hiện vẫn đứng đầu thế giới.

 

Vì vậy, nguyên nhân không phải là sự lười biếng hay thiếu tư duy và nó cũng không liên quan tới yếu tố công nghiệp. Người Canada làm việc kém năng suất hơn người Mỹ ngay cả trong những ngành tương tự.

Một trong những nguyên nhân chính lý giải việc lực lượng lao động Canada có năng suất thấp hơn, theo tác giả, vì các công ty nước này đầu tư ít hơn vào công nghệ và có phương thức kinh doanh kém hiệu quả hơn.

Là một phần của nền kinh tế, nhưng đầu tư kinh doanh của Canada trong R&B (doanh thu và lợi nhuận), phần mềm, phần cứng và dữ liệu chưa bằng một nửa so với Mỹ.

Vấn đề năng suất của người Canada không phải là mới. Các chính phủ kế tiếp nhau đã cố gắng giải quyết nó. Đây là chủ đề từng được đề cập đến từ đầu những năm 1990 và là chủ đề nằm trong hầu hết các tranh luận ngân sách và kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đảng Tự do hay đảng Bảo thủ Canada kể từ đó.

Vậy tại sao Canada chưa thành công trong việc xoay chuyển tình thế? Bởi vì đây là một vấn đề khó giải quyết. Các chuyên gia kinh tế không những chưa có những ý tưởng hay về cách thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, mà còn vì một số giải pháp được xác định sẽ phải đối mặt với khó khăn về chính trị.

Năm này qua năm khác, các chính phủ đều thực hiện những chính sách dễ dãi về chính trị như nhau: trợ cấp, giới hạn cho bảo vệ môi trường và giảm thuế doanh nghiệp.

Những biện pháp này được thực hiện, bất chấp bằng chứng cho thấy nó không có hiệu quả trong việc nâng cao năng suất. Canada xếp trước tất cả các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về Chỉ số cạnh tranh thuế quốc tế và các khoản trợ cấp cho R&D thuộc loại hào phóng nhất, nhưng năng suất của quốc gia Bắc Mỹ này vẫn tiếp tục tụt hậu.

Các phân tích cho thấy yếu tố chính đằng sau năng suất kém của Canada bao gồm môi trường cạnh tranh yếu hơn và kỹ năng khởi nghiệp kém hơn. Cạnh tranh để tăng năng suất bằng cách đẩy các công ty có năng suất thấp ra khỏi thị trường, nhưng khuôn khổ cạnh tranh vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Rào cản của Canada đối với cạnh tranh nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông và vận tải, thuộc vào hàng cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong hai lĩnh vực này, Canada rất tuân thủ các quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài và hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài.

Không có gì ngạc nhiên khi chi phí vé máy bay trên tuyến bay giữa hai thành phố ở Canada thường đắt hơn nhiều so với bay giữa hai thành phố ở châu Âu hoặc giữa Canada và một thành phố quốc tế, nơi các hãng hàng không nước ngoài có thể hoạt động.

Giá dịch vụ không dây của Canada luôn thuộc loại đắt nhất. Còn nhiều ví dụ khác về rào cản cạnh tranh như hệ thống quản lý cung ứng nông nghiệp và rào cản thương mại nội bộ được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính sẽ làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Canada khoảng 4%.

Các khoản trợ cấp quá mức của chính phủ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không giúp ích gì, ngược lại chúng chỉ khiến các công ty hoạt động kém hiệu quả tồn tại.

Canada có thị phần lớn hơn nhiều quốc gia khác về cái gọi là các công ty xác sống (zombie), thường tồn tại hơn 10 năm mà không có khả năng thanh toán nếu không được bơm vốn mới liên tục từ chính phủ. Theo Cơ quan Thống kê Canada, việc để các công ty này phá sản sẽ làm năng suất tăng thêm 5%.

Việc giảm trợ cấp và thay đổi khuôn khổ cạnh tranh sẽ tốn thời gian và vấp phải nhiều sự phản đối từ các hiệp hội doanh nghiệp và người lao động. Do đó, Canada thường lựa chọn tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận mang tính can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích của các công ty hiện tại.

Bài báo kết luận rằng Canada có thể khắc phục được vấn đề năng suất nếu các chính phủ áp dụng tầm nhìn dài hạn mang tính đột phá và phi chính trị. Trường hợp ngược lại, nước này sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong những bất cập về năng suất lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục